Ăn Chay Đâu Chỉ Là “à La Mode”
ĂN CHAY ĐÂU CHỈ LÀ “À LA MODE”
Trần Nguyễn
Không ai có thể phủ nhận rằng Phật giáo đang có một ảnh hưởng ngày càng sâu trong đời sống hiện đại. Các buổi học thiền, các sách Phật giáo đang được đông đảo người học tập, ứng dụng vào các hoạt động cuộc sống và cả kinh doanh nữa chứ (những sách ứng dụng thiền học trong kinh doang chẳng hạn nhưng xem ra cũng còn lắm điều bất cập). Gần đây, theo đà đó hàng loạt quán ăn chay mọc lên đáp ứng cho nhu cầu ăn uống “thanh bạch” của một số đông. Sao ăn chay lại rộ lên như một phong trào thế?
Câu trả lời xem ra cũng khá thú vị.
Tập tểnh người ăn , tớ cũng ăn
Ngày còn sinh viên, Đ.H.Q. D. một phóng viên trẻ ở Sài Gòn mê nhất là quán ăn chay nằm sâu trong chợ Thị Nghè, một cái bàn nhỏ, khuất, nằm bên cạnh ê hề những hàng thịt, cá…, biểu trưng của sự u buồn cho sự sinh diệt, quanh những tiếng trả giá, la hét, cãi nhau của người mua kẻ bán như biểu trưng cho sự phiền não không dứt của kiếp nhân sinh nhỏ hẹp. “Thật thú vị khi ngồi giữa ‘loạn lạc’ vậy mà thưởng thức các món ăn có thể làm mình trong sạch hơn. Người chủ quán cũng thật lạ, im lặng, nghiêm nghị, chỉ vì gấp quá mà không hề hé môi trao đổi điều gì. Nhưng quan trọng hơn hết là…rẻ. Chỉ với 3.000 đồng, anh đã có thể ăn no rồi, cơm với nước tương và vài miếng đậu phụ, còn hôm nào có cỡ 4.000 đồng trong túi thì thịnh soạn hẳn. Giờ qua cái thời khổ cực nhưng lâu lâu tôi cũng hay ghé lại đấy, ăn thì ít mà ngồi nhớ là nhiều”, Q, cho biết như thế. Với các người lớn tuổi, ăn chay đi kèm với một khái niệm tâm linh thực thụ, hoặc thậm chí mang ý nghĩa về một sự “vay trả” với các bậc đắc đạo cho điều gì mình cầu xin. Người trẻ hôm nay thì khác, họ có hơn 1.001 lý do để ăn bữa cơm chay. P. Đào, một sinh viên hớn hỡ khoe: “Hôm rồi em được mấy anh dắt lên chùa Già Lam, ăn được bữa cơm chay ngon ơi là ngon, mấy thầy trên đó vui tính và nói chuyện thú vị lắm. Em xin hôm nào lên ăn nữa vì muốn nghe mấy thầy giảng lại một số điều chưa hiểu và em rất thích không khí ngôi chùa trong bữa cơm đó. Yên tĩnh và ấm cúng, sinh viên xa nhà mà anh!”. Những lý do ngộ nghĩnh như vui, bạn bè rủ…là lý do chính của phong trào ăn chay trong người trẻ gần đây, nhưng cũng có những lý do không kém phần…tào lao. T.Thiều, một bạn đang trong giai đoạn thi đại học mếu máo kể: “Mẹ em bắt em ăn chay cả nửa tháng nay vì đã lỡ khấn ở chùa rằng làm như vậy em mới đậu đại học, ngán quá (đang tuổi ăn, tuổi lớn mà), có lúc em muốn bỏ quách không ăn nữa nhưng sợ…rớt đại học nên đành ăn tiếp”. Việc đậu hay không nhờ vào việc “sôi kinh nấu sử”chứ nào phải ở chỗ “xào đậu que nấu đậu hủ” bao giờ,xem ra cái việc “ép uổng”mình của chàng trai này khó được lòng Phật mà cũng ít được lòng thầy cô. Gặp D, ở quán ăn chay nhỏ trên đường Võ Thị Sáu, D, đang ăn đĩa cơm thứ hai to ụ, thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, D., bảo: “Hôm nay phải ăn chay nhưng hồi sáng quên, ăn lỡ ổ bánh mì thịt, giờ phải ăn double phần chay để át phần thịt hồi sáng, chắc cũng được anh hả”. Tôi đành ngậm ngùi trước triết lý ăn chay cực kỳ thực dụng kia thôi. Nhưng nói vậy chứ không hoàn toàn vậy, nhiều bạn trong giới trẻ cũng thấy trong chay tịnh có những uyên áo mà lối sống đô thị không thấy.
Ăn chay kia cũng có năm bảy đường
Các quán cơm chay ở thành phố hôm nay không hề rẻ và thiếu dinh dưỡng như người xưa vẫn hay tưởng. Các quán như trong chợ Thị Nghè chỉ là cá biệt, tại quán chay bình dân như Thuyền Viên, giá mỗi phần cơm tàm tạm cũng đã phải 15.000 đồng – một ngày công lao động của công nhân. Đó là chưa nói tới các buffet chay như ở nhà hàng Vân Cảnh Q.1, hơn 50.000 đồng cho một người, các món được cân đo đong đếm calori cho vừa với thể trạng từng người một. Vì thế, những người bình dân khi muốn ăn chay đành phải ra chợ mua đồ tự chế biến, đó cũng là lý do tại sao các sách chế tạo món chay đang được bán rất chạy ở các nhà sách.
“Có khi bỗng dưng ngán hết mọi thứ, nghĩ tới bao tử mình là mồ chôn của bao con vật sống em ớn kinh khủng, thế là chọn cách ăn chay, một ít rau, nước tương…ăn trong vài ngày là thấy người và cả lòng mình nhẹ hẳn”, T.Trân – một viên chức trẻ cho biết thế. N.V. Lực, một thợ chụp ảnh vừa mới thành hôn xong cho biết “mình khó khăn lắm mới lấy được vợ, vì mình ăn chay trường, không phải giác ngộ gì đâu, chẳng qua hồi nhỏ ở với má ăn chay quen (má Lực ăn chay trường) lớn lên nghe mùi thịt cá tanh là chịu không được, hồi trước độc thân thì dễ, một gói mì chay, ít tương hột cũng xong bữa, nay có bà xã về nên phải cầu kỳ hơn chút” Những người trẻ ấy là một trong các bạn trẻ đang tìm về tự nhiên trong cách ẩm thực, ở đó sự yên tĩnh, thanh đạm trong ăn uống được đề cao. Họ đã biết tham khảo sách mà biết thành phần dinh dưỡng của từng loại thực phẩm nhằm cân bằng cho cơ thể mình. Có trường hợp như Tuấn – một sinh viên Mỹ thuật, anh ăn chay trường để chữa bệnh và nuôi một cảm xúc tôn giáo trong sáng tạo. Những người trẻ ấy với hiểu biết và tâm hồn mình đã biến ăn chay không chỉ là thứ mốt a dua mà là một triết lý ẩm thực, một cách sống khoan hòa và bao dung hơn với tự nhiên và cả với chính mình.
Để kết thúc bài viết, tôi xin kể về đề tài tranh luận của một nhóm bạn trẻ mà tôi gặp trong quán cơm chay Thuyền Viên: họ chia hai phe và đấu khẩu kịch liệt về cái chân gà làm bằng tàu hủ ky trên bàn ăn, một bảo là nếu đã chay thì nên chay cả trong ý nghĩ, thanh tịnh từ tâm. Một bảo là đời sống hiện đại thì nên phiên phiến đi, bỏ qua các triết lý ấy mà hướng về con người vì như thế vừa phục vụ được cả khẩu vị và hình thức. Tôi không nghe hết câu chuyện. Tôi vui mừng bỏ đi vì tôi biết các cuộc tranh cãi như thế còn dài, và vì vậy ăn chay không thể là “à la mode”, ăn chay là câu chuyện của tư tưởng, kể cả với người trẻ ■
Trần Nguyễn
(TC. Văn Hóa Phật Giáo số 14)