Nhận thức sai lầm nếu cố tình ngụy biện Phật giáo không cấm ăn mặn , uống rượu, trang phục tùy tiện và phát ngôn bừa bãi
Nhận thức sai lầm nếu cố tình ngụy biện
PHẬT GIÁO KHÔNG CẤM ĂN MẶN, UỐNG RƯỢU
trang phục tùy tiện và phát ngôn bừa bãi
Xuân Hoa (t/h)
Thời gian gần đây, cá biệt xảy ra các trường hợp nhà sư có những cách hành xử không phù hợp gây bức xúc cho dư luận như ăn mặn, uống rượu, trang phục tùy tiện, phát ngôn bừa bãi… Trước hiện tượng này, có ý kiến cho rằng, Phật giáo không có những quy định cấm những điều đó, tất cả chỉ do ý thức của người tu hành. Để tìm hiểu sâu hơn về nhận định này dưới góc độ Phật giáo, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định: Sẽ là một nhận tức sai lầm nếu cố tình ngụy biện cho rằng Phật giáo không cấm ăn mặn, uống rượu, trang phục tùy tiện và phát ngôn bừa bãi. Bởi Phật giáo là trường phái tôn giáo minh triết có những quy định về văn hóa ứng xử và lối sống đạo đức đối với người tu hành thuộc vào hàng khắt khe nhất so với các tôn giáo khác.
Vấn đề tăng sĩ được ăn mặn hay không còn tùy thuộc vào trường phái Phật giáo mà tăng sĩ đó trực thuộc. Có lẽ, “ăn mặn” là cách đọc sai âm của “ăn mạng” (sống) của động vật. Theo Phật giáo Nam truyền (Phật giáo nguyên thủy) do vì đi khất thực, các nhà sư không được quyền chọn lựa thực phẩm, mà người ta tặng biếu thức ăn gì thì ăn thứ đó. Trong ba trường hợp (tam tịnh nhục), nếu người khất thực không thấy người giết con vật cho mình ăn, không nghe con vật la thất thanh khi bị giết chết để phục vụ cho mình ăn và không có bất kỳ hoài nghi gì về hai điều đó, thì việc ăn mặn đó được xem không mang nghiệp sát sinh trực tiếp. Nói cách khác, tăng sĩ theo Phật giáo Nam truyền được ăn thực phẩm tam tịnh nhục, do khi khất thực người đó không có quyền lựa chọn.
Đối với Phật giáo Bắc truyền (đại thừa), các tăng sĩ được khích lệ ăn chay trường vì các lý do sau: nếu ăn mặn sẽ làm thương tổn lòng từ bi của người tu hành; gieo nghiệp sát, dẫn đến bệnh tật và yểu thọ; tăng trưởng các hoóc môn tính dục khiến người tu sẽ khó giữ được đời sống thanh tịnh, vượt qua tham ái (gồm tình yêu và tính dục); tăng sĩ theo đại thừa không còn truyền thống đi khất thực. Vì những lý do này mà Phật giáo đại thừa khích lệ tăng sĩ ăn chay trường.
Do đó, là tăng sĩ theo Phật giáo đại thừa mà vẫn chưa ăn chay được là một thiếu sót về văn hóa ẩm thực, cần phải nỗ lực khắc phục để vượt qua. Vì thế, không thể nói rằng, đức Phật không cấm ăn mặn trong Phật giáo nguyên thủy nên tăng sĩ theo đại thừa được quyền ăn mặn
-Vậy còn vấn đề uống rượu thì sao, tăng sĩ có được quyền không, thưa Thượng tọa?
-Thượng tọa Thích Nhật Từ: Phật giáo, dù nguyên thủy hay đại thừa đều quy định trong điều đạo đức thứ năm là Phật tử không được tiêu thụ các chất gây say, bao gồm các loại ma túy, rượu, bia và những chất gây say khác. Theo đức Phật, dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tội lỗi nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm gây say vừa nêu gián tiếp gây ra các tệ nạn xã hội, phạm pháp, bạo lực gia đình và mất sự kiểm soát thân tâm.
Theo luật Phật, Phật tử tại gia còn không nên uống rượu thì huống gì người đã xuất gia tu hành. Làm người xuất gia phải gương mẫu từ bỏ những chất gây say, để đời sống đạo đức được tăng trưởng và trí tuệ được nuôi lớn. Là người xuất gia mà còn uống rượu là vi phạm đạo đức tăng sĩ nghiêm trọng, không thể biện hộ. Trong trường hợp bị bệnh mà theo bác sĩ phải dùng đến những loại rượu thuốc để đặc trị, đang khi không có biện pháp trị liệu hữu hiệu hơn, thì có thể chấp nhận được, nhưng tăng sĩ cũng không được lạm dụng. Và khi sử dụng rượu thuốc để điều trị bệnh, tăng sĩ đó phải được các Tăng đoàn nơi vị đó tu học cho phép thì việc dùng rượu thuốc đó mới hợp pháp.
-Thưa Thượng tọa, theo giới luật Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo được quyền ăn mặc như người đời không?
-Thượng tọa Thích Nhật Từ: Các vị linh mục của Ky tô giáo và mục sư của Tin lành giáo được quyền mặc thường phục để hòa nhập với xã hội nhưng tu sĩ Phật giáo không được mặc các trang phục đời. Vì về văn hóa trang phục cho tăng sĩ, Phật giáo có truyền thống pháp đặc thù và lâu đời. Pháp phục của tăng sĩ được gọi là “giải thoát phục” hay “giải thoát y”, tức pháp y giải thoát. Pháp phục dành cho tăng sĩ là biểu tượng của đời sống thánh hạnh thanh cao, nhờ đó, giải thoát khỏi lối sống phàm và nỗi khổ niềm đau của phàm phu. Pháp y của tăng sĩ còn được gọi là “phước điền y”, có nghĩa là “chiếc y ruộng phước”. Do vậy, tăng sĩ phải mặc pháp y trang nghiêm, lời nói, cử chỉ và hành vi của tăng sĩ phải hướng về phương trời cao rộng. Do đó, tăng sĩ không thể ăn mặc tùy tiện như người thế tục được.
-Là người tu hành, Thượng tọa nghĩ thế nào về sự phát ngôn tùy tiện của một vài vị tăng sĩ bị phản ánh trên báo chí gần đây? Và được biết theo giáo lý nhà Phật nếu người tu hành phạm vào các giới luật thì sẽ phải chịu nghiệp chướng rất nặng nề điều này được hiểu như thế nào?
-Thượng tọa Thích Nhật Từ: Trong 5 điều đạo đức Phật dạy cho người tại gia thì điều đạo đức thứ 3 quy định người tu học Phật không được nói lời sai sự thật, không nói lời gây mất đoàn kết, không nói những lời kém văn hóa và mất lịch sự, không nói lời vô ích. Về bản chất, “phát ngôn tùy tiện” thuộc nhóm “nói lời kém văn hóa và mất lịch sự” rất đáng trách. Là nhà tu hành, tăng sĩ phải nói lời chân lý và đạo đức với thái độ từ bi. Đây là văn hóa lời nói và truyền thông của tăng sĩ. Tăng sĩ phát ngôn tùy tiện dễ gây phản cảm văn hóa, khó chấp nhận được sự biện hộ.
So với với các tôn giáo khác, Phật giáo có hệ thống giới luật nghiêm minh, chặt chẻ, thuộc vào hàng sớm nhất trên địa cầu. Khi một tăng sĩ vi phạm giới luật, vị ấy sẽ bị các khung hình phạt nghiêm khắc, theo đúng tinh thần pháp quy của Phật giáo. Ngày nay các văn bản giới luật của đức Phật vẫn còn thích ứng và được giữ gìn khá nghiêm túc trong các truyền thống Phật giáo. Mặt khác, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có Hiến chương, Nội quy ban Tăng sự và các nội quy của 12 ban ngành khác của Giáo hội. Nếu vị tăng sĩ nào bị phát hiện vi phạm vào các điều giới luật Phật dạy, hay Hiến chương và Nội quy, đều bị xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, tăng sĩ cũng là một công dân trong xã hội và phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật.
-Xin cảm ơn Thượng tọa!
Ban Tôn giáo Chính phủ đã yêu cầu các địa phương
có nhà tu hành như báo nêu báo cáo cụ thể sự việc
Ở góc độ quản lý Nhà nước, TS. Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, chức năng quản lý Nhà nước đối với tôn giáo chính là việc giúp cho các hoạt động tôn giáo được thực hiện, được tôn trọng, không trái với pháp luật, nhằm phát huy giá trị tinh thần của tôn giáo, giúp tôn giáo hạn chế được những tiêu cực, hạn chế. Thời gian qua, truyền thông đã nêu một số các trường hợp những nhà sư có hành vi không phù hợp với đạo đức người tu hành, việc làm này của truyền thông là cần thiết để giúp xã hội nhận diện điều tốt, loại bỏ điều xấu. “Qua việc này, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị các địa phương có nhà tu hành như báo nêu cần kiểm tra, xác minh lại rõ ràng, từ đó có biện pháp giải quyết và báo cáo cụ thể sự việc. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, tôn giáo cũng như xã hội, luôn có hai mặt của vấn đề, vì thế bên cạnh việc vạch điều xấu thì cũng cần biểu dương những điều tốt đẹp của tôn giáo, nhất là với đạo Phật – tôn giáo đã có hơn hai nghìn năm đồng hành cùng sự phát triển, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam” – TS. Bùi Hữu Dược nhấn mạnh.
(Bài phỏng vấn trên báo Pháp luật và Thời đại, ngày 15-12-12015)