Shabkar Và Truyền Thống Ăn Chay Trong Phật Giáo Tây-tạng
SHABKAR Và TRUYỀN THỐNG ĂN CHAY
TRONG PHẬT GIÁO TÂY-TẠNG
Lời Giới Thiệu của Nhóm Dịch Thuật Padmakara
Trích từ tập sách ‘Thức Ăn Cho Bồ Tát‘ của Đại sư Shabkar
Những Giáo Huấn Của Đạo Phật Về ViệcTừ Bỏ Ăn Thịt
Padmakara Translation Group 2004 – Tâm-Bảo-Đàn chuyển Việt-ngữ
Có những người tuy không hiểu biết nhiều về Phật Giáo nhưng lại có phần nào quen thuộc với giáo lý bất bạo động và từ bi của đao Phật, những người này thường hay lầm tưởng rằng giới Phật tử đều ăn chay. Họ có phần nào ngạc nhiên pha chút thất vọng khi khám phá ra rằng rất đông Phật tử ở cả phương Đông lẫn phương Tây vẫn thường ăn thịt (ăn mặn), cho dù không nhất thiết là tất cả Phật tử ai ai cũng ăn thịt như vậy.
Bỏ qua bên lề vô số những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ăn thịt của người Phật tử, dù riêng tư hay liên quan đến hoàn cảnh xã hội, thì thái độ chung chung của giới ‘Phật tử ăn mặn’ đều nằm dưới sự chi phối của những yếu tố văn hoá và lịch sử, mỗi quốc gia một khác biệt, không quốc gia nào giống quốc gia nào.
Một ví dụ điển hình là giới Phật tử tu theo Đại Thừa tại hai quốc gia Trung Hoa và Việt Nam, sống một nếp sống cổ truyền, giới Phật tử này thường thường là những nguời ăn chay thuần thành. Ngược lại, tại Nhật Bản chẳng hạn, không có gì lạ lùng khi thấy Phật tử ăn mặn, và hơn thế nữa, tại Tây-Tạng, chuyện Phật tử ăn mặn gần như luôn luôn là chuyện đương nhiên. Khi Phật Giáo bắt đầu lan truyền qua Âu Châu, Mỹ Châu và nhiều nơi khác, những người đệ tử mới tại các nơi này tự động áp dụng thái độ và các pháp tu tiêu biểu của truyền thống tu nào mà họ đang noi theo. Điều này thật ra cũng là điều rất tự nhiên.
Tây-Tạng là một quốc gia tại châu Á mà toàn bộ giáo huấn Phật Giáo đã được truyền thẳng từ Ấn Độ vào Tây-Tạng [không đi qua một trung gian nào]. Bắt đầu từ thế kỷ thứ tám trở đi cho đến nay, người dân Tây-Tạng đã một lòng gắn bó với giáo pháp cao sâu của truyền thống Đại Thừa, dưới cả hai dạng Kinh-điển lẫn Mật-điển, qua công phu nghiên cứu, chiêm nghiệm và thực hành giáo pháp này trong đời sống hằng ngày, một giáo pháp nghiêng về trí tuệ và phát triển tâm từ bi hoàn vũ.
Hơn thế nữa, điều mà ai cũng thấy rõ là chính giáo pháp và thái độ sống phổ thông trong mọi tầng lớp của người dân Tây Tạng nói chung, đã tạo được một ảnh hưởng rất sâu sắc trong mối liên hệ giữa người dân Tây-Tạng và môi trường thiên nhiên chung quanh.
Trước ngày Tây-Tạng bị Trung Cộng xâm lăng, khi những người khách du lịch từ châu Âu lần đầu đặt chân đến Tây-Tạng và toàn vùng Hy Mã Lạp Sơn, họ đều sửng sốt khi nhìn thấy cảnh sống vô cùng ôn hoà và rực rỡ của chim muông, dã thú. Trong một quốc gia mà săn bắn là một hoạt động rất hiếm hoi, hầu như đều bị mọi người lên án, thì dã thú, chim muông chẳng còn chút gì phải sợ hãi loài người. Tuy là như thế, nhưng sự thật hiển nhiên là ngườI dân Tây-Tạng nói chung, từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, vẫn luôn luôn là những người ăn rất nhiều thịt. Lý do chính yếu [đưa tới tình trạng ăn nhiều thịt này] có liên hệ đến hai yếu tố thời tiết và địa dư. Tại Tây Tạng, phần lớn đất đai nằm trên một độ cao mà mọi việc trồng trọt, canh nông đều là việc bất khả.
Lẽ dĩ nhiên, thói quen lâu đời thường mọc rễ, trở thành điều ưa chuộng đặc biệt không thể thiếu, và ngay cả đã có sẵn một niềm tin vững chắc vào đạo pháp thì rất nhiều người Tây-Tạng hiện đang sinh sống tại nhiều vùng đất khác nhau trên quả địa cầu vẫn chưa thay đổi được cách thức ăn uống dinh dưỡng của họ. Điều này tự nó cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
Phải từ bỏ những thói quen lâu đời là một việc làm rất khó, và việc đầu tiên mà khách du lịch hay dân di tản khắp nơi trên thế giới thường làm một cách thôi thúc là nhập cảng và cố tìm mua cho bằng được đủ mọi loại thực phẩm của riêng xứ họ.
Cũng giống như những người còn lại trong cộng đồng nhân loại, người dân Tây-Tạng thấy thịt là thức ăn rất ngon miệng, và họ thường thưởng thức với tất cả sự hào hứng thích thú. Nhưng ngay cả nếu chuyện ăn thịt đã và đang là một tập quán bình thường đối với người dân bên trong xứ Tây-Tạng cũng như đối với cộng đồng lưu vong bên ngoài Tây-Tạng, thì phương pháp tu tập hằng ngày của truyền thống Đại Thừa, chẳng hạn như sự thường xuyên quán chiếu về tâm từ bi và ước nguyện làm Bồ-Tát giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ — phương pháp tu tập này làm cho ta không thể nào không lên tiếng đặt câu hỏi về việc ăn thịt [của người Phật tử].
Theo mẫu mực bình thường thì người Phật-tử Tây-Tạng, ngay cả những người công nhận mình thuộc dân ăn mặn chính cống, cũng không hoàn toàn vô cảm trước vấn đề ăn thịt này. Nhiều người công nhận một cách thẳng thắn là việc ăn thịt không thể nào không liên hệ đến hành động sát hại thú vật một cách có tính toán, và cũng thẳng thắn công nhận là việc ăn thịt là một chuyện thiếu lý tưởng, không thích hợp chút nào cho những người Phật tử đang thực hành theo Phật pháp. Có nhiều người Tây-Tạng cũng cố gắng tránh ăn thịt trong những ngày lễ, cũng như trong những thời điểm thiêng liêng trong năm. Nhiều người tỏ vẻ kính phục truyền thống ăn chay; và rất hiếm có một vị lạt-ma nào không ca ngợi và cổ võ những ai có thể ăn chay cho dù chính vị lạt-ma đó vẫn đang ăn mặn vì lý do này hay lý do khác.
Trong cộng đồng lưu vong Tây-Tạng tại hai xứ Ấn-Độ và Nepal, có nhiều thay đổi về phong tục tập quán đang từ từ thành hình, nhất là trong giới trẻ, bởi vì việc ăn thịt không bắt rễ một cách sâu xa đến vậy trong khung cảnh văn hoá của hai quốc gia này. Một số tu viện, kể cả tu viện Namgyal Dratsang, tu viện gốc của đức Đạt-Lai Lạt-Ma [tại Ấn Độ], đã không cho phép việc nấu nướng thịt thà trong nhà bếp của tu viện nữa. Và ngay cả khi việc chọn lựa ăn chay ăn mặn của mỗi tu viện là một chọn lựa có tính cách độc lập, thì tại ngay những tu viện này, số các vị tu sĩ và nữ tu sĩ bắt đầu hoàn toàn từ bỏ ăn thịt ngày càng đông.
Đối với riêng những hành giả tại phương Tây, hoàn cảnh của chúng ta có nhiều điểm dị biệt. Khác với người Tây-Tạng, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra được đủ loại rau trái bổ dưỡng ở những nơi mà chúng ta đang sinh sống. Cho dù như vậy, [điều đáng tiếc là] chúng ta lại đến từ một nền văn hoá mà cả hai truyền thống tôn giáo lẫn đạo lý đều cho phép và khuyến khích việc ăn thịt. Cái nhìn từ bi đối với thú vật là một cái nhìn vốn sẵn có trong tư tưởng Phật giáo và đã thấm nhuần trong tâm thức của người dân Tây-Tạng cho dù cách thức ăn uống dinh dưỡng của họ không thực sự đi sát với cái nhìn từ bi này.
Ngược lại, xã hội mà chúng ta đang sinh sống hoàn toàn không có được cái nhìn từ bi như vậy. Phần lớn, trong thế giới ngày nay, cách đối xử nhân đạo của chúng ta với những con thú nuôi trong nhà chịu ảnh hưởng của tâm lý tình cảm và những cân nhắc liên quan đến tiền bạc, vật chất. Cách đối xử nhân đạo của chúng ta với những con thú nuôi trong nhà này không phát mầm từ sự hiểu biết rằng thú vật là những sinh vật cũng được thọ hưởng trí óc và xúc cảm không khác gì chúng ta, và tự bản chất, chúng cũng đang phải trải qua những cảnh khổ luân hồi không khác gì chúng ta. Dù sao đi nữa, đối với những người Phật tử ở phương Tây, những người do thói quen lẫn ham muốn đã trở thành ‘dân ăn thịt,’ thì sự thử thách dựa trên câu hỏi nêu ra về vấn đề ‘ăn mặn’ của Phật giáo nói chung, và của truyền thống đại thừa nói riêng, có chìu hướng bị ủ dột, trì trệ thêm. Bởi vì, như những lý do đã được nêu ra ở trên, người Tây-Tạng cho dù có thành tâm đến mấy chăng nữa thì họ cũng chẳng giúp được gì nhiều cho các bạn đồng tu ở phương Tây [trên vấn đề này], ngoại trừ một số hướng dẫn lý thuyết suông.
Tình trạng này còn trở nên rắc rối hơn nữa chính vì sự thâm nhập của một số lý lẽ biện minh theo truyền thống xưa cũ, được đưa ra cốt để tha thứ cho việc ăn thịt của giới Phật tử. Những lý lẽ biện minh này đã được nhiều người ở phương Tây chấp nhận quá mức dễ dàng, thiếu óc phê phán. Có lẽ vì chính những người này đã không đủ khả năng hoặc không đủ ý chí để cân nhắn và lựa chọn một lối sống khác.
Những lý lẽ biện minh này gồm có: (1) ý niệm về ba loại thịt thuần tịnh (tam tịnh nhục), (2) tư tưởng rằng con vật nối được liên hệ tâm thức với Phật pháp (và từ đó được nhiều lợi lạc) khi thịt của chúng được chính các hành giả nhai ăn, và (3) còn nhiều ý niệm khác nữa, đến từ cái nhìn lệch lạc gom góp từ trong kinh điển đã đọc.
Như đại sư Shabkar đã trình bày cho chúng ta thấy, những tranh luận này hoàn toàn sai lạc, hoặc sai lạc quá nửa, và đòi hỏi một lối diễn giải nghiêm túc, trung thực hơn. […] Thật ra việc này cũng dễ hiểu bởi vì những lý lẽ biện minh trên được nêu lên với chút ân hận trong lòng; đây là những cố gắng rất ‘người’ (rất ‘gượng ép nhân tạo’) để cứu vãn lương tâm ray rứt khi việc từ bỏ ăn thịt trở nên quá khó. Nhưng trong một hoàn cảnh bình thường, với những người bình thường [muốn tìm hiểu về vấn đề này một cách nghiêm chỉnh], thì thật là một sai lầm nếu ta cho rằng những lý lẽ biện minh đó là những diễn đạt nguyên lý rốt ráo.
Dù sao đi nữa, điều quan trọng cần biết là tại Tây-Tạng, hiện nay, cũng như trong quá khứ, đã luôn luôn có một quan điểm hoàn toàn khác biệt với những lý lẽ biện minh kia. Điều này đã hiện diện ngay từ những ngày đầu tiên nhất của lịch sử Phật giáo tại Tây-tạng. Quan điểm này đã được xác nhận một cách vô cùng cương quyết trong những giáo huấn của đại sư Atisha và của những đệ tử thuộc giòng truyền thừa Kadampa của ngài. Quan điểm này cũng được một số nhỏ các cá nhân anh hùng tiếp tục ủng hộ và chứng thực trong từng thế hệ nối tiếp. Những trang sách được chuyển ngữ sau đây sẽ cho chúng ta thấy rằng đại sư Shabkar chính là một người thuộc trong ‘pháp hội vinh quang’ này — pháp hội bao gồm những vị Bồ-tát thực hành theo cả Kinh-điển lẫn Mật-điển. Nương vào tình thương của họ đối với chúng sinh, và sự quán chiếu của họ về sự đau khổ chúng sinh phải hứng chịu mà những vị Bồ-Tát này đã quyết định từ bỏ ăn thịt cho dù có phải chịu đựng tất cả những thử thách to lớn, trong một hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, khắc nghiệt.
Trong những thảo luận của đại sư Shabkar về vấn đề ăn chay ăn mặn, ngài đã nêu ra những câu hỏi vô cùng sâu sắc liên quan nhiều khiá cạnh khác nhau của đạo Phật, ngang tầm vóc với các giáo huấn thuộc Bà-la-đề-mộc-xoa, Đại Thừa và Kim-Cang Thừa. Và như một người đang quan sát nhân loại với một tấm lòng từ bi rất sáng suốt, đại sư Shabkar đã phất một luồng ánh sáng vô cùng rực rỡ sắc sảo lên trên nền tảng xã hội và tôn giáo của thời đại của ngài.
Tác Giả Shabkar
Đại sư Shabkar Tsogdruk Rangdrol (1781-1851) đã để lại nhiều pho văn tự đồ sộ, trong số đó có hai tài liệu viết về tiểu sử của chính ngài, là một trong những tài liệu được yêu chuộng và gây nhiều nguồn cảm hứng nhất trong văn chương Tây-Tạng. Ngoài kho tàng thi ca gồm những bài thơ và đạo ca trong hai văn kiện tiểu sử này, đại sư Shabkar đã kể lại cho chúng ta nghe về sự nghiệp tâm linh của ngài, khởi đầu bằng sự phát tâm từ bỏ thế gian ngay trong thời thơ ấu, để cuối cùng dẫn đến thành đạt trọn vẹn quả vị giác ngộ.
Ngài đã bỏ gần như trọn cuộc đời trong động thất, hoặc vân du đây đó khắp nơi như một kẻ hành hương, thăm viếng rất nhiều những địa điểm linh thiêng tại Tây-Tạng và toàn vùng Hy Mã Lạp Sơn — từ Amdo và vùng biên giới Mông Cổ ở phía bắc nơi ngài đã chào đời, cho đến rặng núi hùng vĩ ở Amnye Manchen, và từ đó, ngang qua hai tỉnh U và Tang ở miền trung, cho đến những khe núi ở Tsari, rồi đến Kailash, đỉnh núi linh thiêng ở miền tây, và sau đó, xuôi nam xuống thung lũng Kathmandu ở xứ Nepal.
Ngài là một người tột cùng tự do, sống bên lề xã hội. Phần lớn cuộc đời, ngài đã sống ẩn dật, trên những rặng núi cao, không có ai bên cạnh chăm lo cho cả, ngoại trừ, nếu có, một số rất ít những đệ tử tâm truyền nhất. Những đệ tử này là những người có đủ khả năng và ý chí để chịu đựng những khó khăn thử thách gây ra bởi cảnh sống khắc nghiệt, và đã nếm được vị tự do tuyệt hảo đến từ sự hoàn toàn từ bỏ những lo lắng tầm thường thế gian.
Đại sư Shabkar không hề bị lệ thuộc vào khuôn mẫu mực thước của xã hội hay của tăng đoàn, và tuy là một vị tỳ khưu thọ đủ tất cả các giới, ngài chưa hề bao giờ liên kết mật thiết với một hệ thống tăng-già có thế lực nào cả, cho dù bất cứ khi nào có dịp là ngài cũng đến thăm viếng và gia ơn [cho chư tăng tại các tu viện], nhiều khi với một tấm lòng quảng đại tuyệt vời. Rất yêu mến giới luật của đời sống tu viện, nhưng cũng hoà mình thể nhập trong cách sống tự do và cách hành pháp của những đạo sư du-già tu theo Mật-điển, chắc chắn ngài đã hiện ra như một mẫu người lập dị trong những chuyến hành hương liên tiếp của ngài, mặc y vá đụp của một vị tỳ khưu, với giải khăn choàng màu trắng khoác vai và với mái tóc dài không cắt tỉa của một đạo sư du-già.
Y phục bất thường của đại sư Shabkar đã phản ảnh hết sức trung thực nhân cách và những nỗ lực tâm linh của ngài. Là một vị tỳ khưu mà cũng là một đạo sư du-già, trong khi hành pháp, ngài đã phát triển pháp tu của Tiểu-Thừa bằng tâm đoạn tuyệt thế gian, pháp tu của Đại-Thừa bằng tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh, và pháp tu du-già tối mật của Mật-Thừa. Cả ba thừa này đều hiện diện trong Phật-giáo Tây-Tạng, được áp dụng từng giai đoạn trên con đường tu, và có liên hệ rất nhiều với giòng truyền thừa Kadampa.
Cho dù vào thời đại của đại sư Shabkar thì Kadampa không tồn tại như một giòng phái độc lập riêng rẽ nữa, nhưng những giáo pháp của truyền thống Kadampa về Lamrim (những-giai-đoạn-trên-con-đường-tu) đã tỏa ảnh hưởng vô cùng rộng lớn lên tất cả bốn tông phái chính của Phật-giáo Tây-Tạng, tạo nguồn cảm hứng cho những luận giải và trước tác tuyệt vời. Những trước tác này là hạt mầm nuôi lớn đời sống tôn giáo tại Tây-Tạng cho đến tận ngày hôm nay: chẳng hạn như luận giải ‘Khi Tâm An Tĩnh’ (The Mind at Rest) của đại sư Gyalwa Longchenpa, ‘Bảo Châu Trang Sức Của Giải Thoát’ (The Jewel Ornament of Liberation) của đại sư Je Gampopa, ‘Kho Tàng Của Những Đức Hạnh Cao Quý’ (The Treasure of Precious Qualities) của đại sư Vidyadhara Jigme Lingpa, và chính đại sư Je Tsongkhapa cũng đã viết ‘Đại Luận Giải Về Những Giai Đoạn Trên Con Đuờng Tu ’ (The Great Exposition of the Stages of the Path).
Dựa trên lời huấn thị của đại tôn sư Atisha, hình thái sinh hoạt bề ngoài của đại sư Shabkar được tô đậm bằng những giới luật thuần khiết của một nhà tu, trong khi đó, sâu bên trong, suốt cuộc đời ngài luôn luôn là một hành giả chuyên quán chiếu về lojong, cổ võ phương cách luyện tâm dựa trên tâm Bồ-Đề tương đối (relative bodhicitta) và tâm Bồ-Đề viên mãn (absolute bodhicitta). Sau rốt, trong hình thái sinh hoạt ẩn mật, ngài lại là một đạo sư du-già chứng đắc, đã thành tựu giác ngộ nhờ vào những pháp tu mật-điển, nhất là nhờ vào những giáo pháp mật truyền tối thượng của hai pháp Đại Viên Mãn (Dzogchen) và Đại Thủ Ấn (Mahamudra). Cả ba truyền thống Tiểu-Thưà, Đại-Thừa và Mật-Thừa đều được kết hợp trong cách ngài hành pháp, và chính ngài đã làm cho cách ngài hành pháp trở nên một thành tựu toàn bích, viên mãn.
Thái độ của đại sư Shabkar đối với những truyền thống khác nhau của Phật-giáo Tây-Tạng hòan toàn không bị bất cứ một đám mây thành khiến nào che mờ. Điều chắc chắn là bởi vì ngài đã sống một cuộc đời tự do độc lập tuyệt đối, không phải vướng mắc và trung thành với bất cứ tổ chức nào cũng như không phải bị lệ thuộc vào bất cứ một vị thí chủ nào. Cả cuộc đời ngài đã sống một đời sống ‘từ tay đưa lên đến miệng,’ [theo kiểu ai cho gì thì ăn nấy]. Ngài không có một mái chùa làm nơi tá túc cố định, và mọi nhu cầu cần thiết được thu gọn thành tuyệt đối tối thiểu. Nhiều đệ tử hết sức tin tưởng sùng bái ngài, đã cúng dường cho ngài rất nhiều tịnh tài, phẩm vật, nhưng ngài luôn luôn mau chóng chia sẻ, phân phối tất cả những thứ này cho người khác dưới hình thức cúng dường tôn giáo, hay bố thí từ thiện. Đạo pháp đối với ngài là việc phải huấn luyện và quán chiếu bản thân, không phải là chuyện liên kết với một giòng truyền thừa nào cả. Ngài rất yêu mến những giáo pháp của đức Phật dưới bất cứ hình dạng nào, và thái độ của ngài đối với tất cả các truyền thống tu học của đạo Phật là sự kính ngưỡng sùng bái chân thành.
Một lần nọ, khi còn trẻ, trong lúc đang viếng thăm đại tu viện Labrang Tshikhyil của giòng Gelugpa tại tỉnh Amdo, đại sư Shabkar đã cầu nguyện xin cho ngài được đủ túc duyên để thực hành Phật pháp một cách tuyệt vời trong sáng, không bị thành kiến làm cho hoen ố. Khi nhắc lại về câu chuyện này trong tiểu sử của ngài, ngài đã ghi lại nguyên văn một câu nói của đức Ban-Thiền Lạt-Ma (Panchen Lama), hoá thân đời thứ 5, minh xác về sự đáng tin cậy của tất cả các giòng phái khác nhau của Phật-giáo Tây-Tạng. Đức Ban-Thiền Lạt-Ma đã phát biểu rằng, ‘Dựa trên những lời nói này, tôi luôn luôn phát triển lòng kính ngưỡng và sùng bái đối với tất cả các vị thầy và các giáo huấn của các ngài, tôi nhìn thấy tất cả đều vô cùng thuần khiết.’ Điểm nổi bật nhất trong con người tôn giáo của đại sư Shabkar là mức độ kết hợp mà ngài đã vận dụng được giữa những giáo huấn của giòng Nyingma và những giáo huấn của giòng Gelug, hai giòng phái này trước giờ vẫn thường được coi là cách xa nhau như hai thái cực. Chuyện này xảy ra có lẽ cũng là nhờ vào ảnh hưởng xã hội, vì vùng đất đại sư Shabkar lớn lên nằm rất xa các trung tâm chính trị và quyền bính; nơi đây, các hành giả thuộc tất cả các tông phái khác nhau đều sống gần gũi và tự do trò truyện, trao đổi với nhau.
Gốc gác của đại sư Shabkar thuộc về giòng truyền thừa của những đạo sư du-già Nyingma ở Rekong, tỉnh Amdo. Giòng truyền thừa này rất nổi tiếng nhờ vào những lời nguyện cam kết (samaya) vô cùng trong sạch, và nhờ vào năng lực thần thông mà họ đã đạt được qua những chứng đắc tâm linh. Chính ở vùng đất Rekong này mà đại sư Shabkar đã khởi sự được rèn luyện về tôn giáo, và điều rất hiển nhiên là tất cả những hướng dẫn mà ngài nhận được trong thời gian này, từ lời giảng cho đến những tấm gương sáng trước mắt, đã để lại một dấu ấn không gì tẩy xóa được trên nhân cách của ngài.
Vào năm hai mươi tuổi, ngài thọ giới tỳ khưu với đại sư Arik Geshe Jampel Gyaltsen Oser, là vị trụ trì và nhà Phật học của một đại tu viện thuộc giòng Gelug. Chính đại sư Arik đã khuyên ngài nên đi tìm ngài Chogyal Ngakyi Wangpo, vị đại tôn sư lừng lẫy thuộc giòng Nyingma mà cũng chính là bổn sư của ngài. Từ đại tôn sư Chogyal Ngakyi Wango, ngài đã thọ lãnh tất cả những giáo pháp của giòng Nyingma Cổ-Mật (Old Translation school), trong đó có cả những hướng dẫn về trekcho và thogal thuộc pháp tu Đại Viên Mãn (Dzogchen); pháp Đại Viên Mãn sau này trở thành cốt lõi trong công phu tu luyện của riêng ngài.
Cho dù như thế, như đã được kể lại trong tiểu sử của ngài, đại sư Shabkar cũng thường xuyên nhận được những mật truyền và lễ quán đảnh từ các tân phái, chẳng hạn như pháp Migtsema mà ngài rất yêu chuộng, tức là bài khẩn nguyện nổi tiếng dâng lên đại sư Tsongkhapa, viên bảo ngọc trân quý của Xứ Tuyết Tây-Tạng.
Về sau, trên những chuyến hành trình đăng đẳng của ngài, ngài rất hoan hỉ được thăm viếng những cơ sở tu viện vĩ đại của giòng Gelug tại hai vùng U và Tsang ở trung phần; nơi đây ngài đã phát tâm cúng dường hết sức rộng rãi, và đã xin được thọ thêm nhiều giáo pháp tại đây. Ngoài ra, ngài cũng hành hương đến đại tu viện của giòng Sakya và thọ lễ gia lực với những người con trai của Wangdu Nyingpo, là vị nối dõi đời thứ 33 của giòng truyền thừa Sakya. Rồi nhân thể đang ở trong vùng lân cận, ngài không quên đến viếng tu viện Jonang Ganden Puntsoling, tu viện gốc của ngài Taranatha Kunga Nyingpo, nơi đây vẫn còn lưu giữ một tập tài liệu ghi lại những lời giảng dạy [của ngài Nyingpo] do chính đại sư Shabkar cho in lại từ một bản khắc bằng gỗ.
Cuối cùng, ngài hoàn toàn như người trở lại về mái nhà xưa khi sống giữa những vị đạo sư du-già thuộc giòng Kagyu ở đỉnh núi Kailash, và ở nhiều nơi khác nữa.
Khi đọc lại tiểu sử cuộc đời đại sư Shabkar, trong không khí tĩnh lặng sùng bái và trong niềm kính ngưỡng tỏa khắp các giòng truyền thừa, người ta khó có thể đoán được chiều sâu của những tranh chấp thù nghịch giữa các giòng phái với nhau, và khó đóan được rằng chính những tranh chấp này đã từng là bóng đen phủ lên lịch sử xã hội Tây-Tạng qua nhiều thế hệ. Đối với tất cả các giòng truyền thừa của Phật giáo Tây-Tạng, lòng tôn sùng của đại sư Shabkar mãnh liệt và chân thành đến nỗi chính ngài đã được tán dương như là ứng thân của những nhân vật khác nhau trong tất cả các giòng phái này. Ngài được kính trọng như là hiện thân của Manjushrimitra, một trong những vị khai sáng ra giòng truyền thừa Đại Viên Mãn (Dzogchen) của giòng phái Cổ Mật Nyingma. Ngài còn được công nhận là hoá thân của đại sư Ngulchu Gyalse Thogme, vị thầy mà giòng phái Sakya vô cùng kính ngưỡng, và là tái sanh của đại sư Chengawa Lodro Gyaltsen [thuộc giòng Nyingma], một đệ tử tâm truyền của đức Je Tsongkhapa. Nhưng, hơn hết cả, chính dưới bóng của Milarepa, vị đại tôn sư lừng lẫy nhất của giòng phái Kagyu và nhân vật được yêu mến nhất trong truyền thống Tây-Tạng, đại sư Shabkar đã được sùng kính và tán dương vì đã thể nhập trọn vẹn con người của đạo sư Milarepa. Từ cách sống, tài năng, lòng kiên trì cho đến những thành tựu chứng đắc, rõ ràng là đại sư Shabkar đã bước theo những bước chân của đại đạo sĩ Milarepa.
Đại sư Shabkar đã nổi tiếng vì mối quan tâm và tấm lòng trìu mến của ngài dành cho thú vật. Thái độ của ngài không những nói lên sự thông cảm và lòng biết ơn đẹp đẽ, mà thái độ này còn bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo về Phật pháp. Đối với đại sư Shabkar, cũng như đối với giới Phật tử nói chung, thú vật trước hết cả phải được coi như là những sinh vật không khác gì chúng ta, cũng đang bị mắc kẹt trong những đau khổ của cõi luân hồi y như chúng ta. Cho dù trên phương diện thể xác, thú vật có mang hình dạng khác biệt và kỳ quái đến thế nào chăng nữa, và trên phương diện cảm quan và giác quan, chúng có thô thiển đến mấy đi nữa, thì thú vật vẫn may mắn có được trí óc, và trên phương diện căn bản này, chúng cũng là những con người. Thú vật cũng bám víu vào cái gọi là ‘ta’ của chúng, đâu khác gì con người. Do đó, chúng cũng ao ước được hạnh phúc và được như ý, dựa trên những hiểu biết, nhu cầu riêng của chúng, và khi không đạt được những điều này thì chúng cũng đau khổ vô ngần.
So với con người thì thú vật phải chịu nhiều bất lợi to lớn. Tâm trí của chúng bị che phủ bởi màn vô minh dầy dặc hơn con người, và lúc nào chúng cũng bị sức mạnh của bản năng cầm thú lấn áp. Thú vật thừa hưởng những giác quan mạnh mẽ và sắc bén hơn con người, nhưng trí thông minh ít ỏi của chúng không cho phép chúng lãnh hội được đạo pháp, không thể nào làm được gì để chuyển hoá từ trạng thái bám chấp đến được trạng thái tự do giải thoát.
Trong những năm dài nhập thất ẩn tu trong cô tịch trên những rặng núi cao, và trong những chuyến đi đơn độc xuyên qua những miền hoang dã ở Tây-Tạng, chắc chắn đại sư Shabkar đã có nhiều cơ hội tận mắt nhìn thấy đủ mọi loại thú, và có dịp quan sát cách chúng sinh sống. Những cơ hội gần gũi thú vật này, cộng với lối sống hết sức đơn sơ bình dị, chắc chắn đã tô đậm thêm cho tấm lòng bi mẫn vốn có của ngài đối với loài thú, và chúng ta có thể cảm nhận được điều này rất rõ trong vô số những câu truyện được kể lại trong hai pho tiểu sử của ngài.
Đời sống giưã chốn hoang dã, với số lượng thức ăn ít ỏi và một nơi trú ẩn sơ sài để che mưa che nắng, chắc chắn đã giúp cho đại sư Shabkar hiểu rõ hơn về những khó khăn và hiểm nguy trong thiên nhiên mà chim muông dã thú phải đương đầu chống chọi. Đã nhiều lần, có lẽ ngài đã phải trải qua đói khát, lạnh lẽo, và chắc chắn ngài đã từng chứng kiến cảnh sống bấp bênh và đau khổ của loài thú khi chúng phải đương đầu với khí hậu luôn luôn thay đổi không thể đoán trước, và với mối đe dọa đến từ những con thú săn mồi khác trong thiên nhiên. Dĩ nhiên là ngài đã tạo được những liên hệ thân thiết với loài thú, và ngược lại, trong suốt những chuỗi ngày ngài tạm trú ẩn tu trong động thất, chắc chắn những con thú này cũng phải cảm thấy quen thuộc với sự hiện diện hiền hoà của con người kỳ dị đó. Đôi khi đại sư Shabkar cũng nói chuyện với thú vật, và nhiều lần, khi lắng nghe tiếng kêu inh ỏi của những con quạ hay tiếng kêu rầu rĩ của những con chim cu, ngài tưởng tượng như chúng đang nói chuyện với ngài, hay đang nói chuyện với nhau. Một lần kia, ngài đã thuyết một bài pháp đơn giản cho một đàn lừa hoang (kyang); có vẻ như chúng đã ở lại và lắng nghe ngài. Một lần khác, chính ngài đã nhận được một bài học rất thấm thía từ một con cừu già.
Điều rõ ràng mà ta đọc được trong những trước tác của ngài là ngài thường xuyên xúc động trước vẻ đẹp của loài thú, và tìm được nhiều an ủi khi làm bạn với chúng. Lắm khi, chỉ một tiếng kêu của đàn chim, hay tiếng rỉ rả của côn trùng cũng đưa đến những thấu hiểu tâm linh, và ngài thường ghi lại những kinh nghiệm này trong những bài đạo ca.
Từ những ngày còn bé thơ, đại sư Shabkar đã phải kinh hoàng trước cách xử sự tàn nhẫn của loài người đối với thú vật. Trong những trang đầu tiên trong quyển tiểu sử của ngài, ngài ghi lại một kinh nghiệm thuở ấu thời. Kinh nghiệm này đã đóng một dấu mộc lên tâm khảm của ngài cho đến hết cuộc đời.
Một mùa thu nọ, [dân làng] chúng tôi đã có được một vụ gặt thật tuyệt hảo.
Tất cả mọi người trong tất cả các gia đình, giàu nghèo gì cũng thế, đều nói là chúng ta nên tổ chức ăn mừng. Điều này có nghĩa là không biết bao nhiêu đàn cừu sẽ phải bị sát hại, bị đem ra xẻ thịt. Thật là một cảnh tượng vô cùng
khủng khiếp. Tôi sợ đến thất vía hoảng kinh và trong lòng dâng tràn bao thương xót. Không thể nào có đủ can đảm để nấn ná ở chỗ người ta xẻ thịt
nên tôi phải trốn đi một nơi khác và chờ cho đến khi việc sát hại kết thúc rồi mới dám quay trở về. Khi trở về, tôi nhìn thấy thây của những con cừu đã được xẻ thịt nằm ngổn ngang dưới đất. Tôi thầm nghĩ, ‘Những người này đã làm một việc vô cùng tồi bại, và người ta vẫn tiếp tục làm như vậy cho dù người ta dư biết là họ sẽ phải trả quả ác trong những kiếp kế tới. Khi lớn lên, tôi nguyện sẽ chỉ sống theo gương chánh pháp. Tôi sẽ hoàn toàn xa lánh những việc làm tệ hại như vậy.’ Và tôi đã nhiều lần lập đi lập lại lời hứa này với chính mình. [KWGJ (The King of Wish-Granting Jewels) – (Đại Vương Của Những Viên Ngọc Như Ý), f16]
Trong suốt cuộc đời của ngài, đại sư Shabkar cũng như bất cứ vị thầy nào khác trong Phật giáo, đã thuyết pháp về định luật nhân quả, và đã khuyến khích người nghe phải tránh xa hành động giết hại. Điều này đôi khi đã đem lại rất nhiều kết quả khả quan.
Cũng giống như Jigme Lingpa, một vị tôn giả lão thành cùng thời với ngài, đại sư Shabkar thường xuyên thực hành pháp phóng sinh, cứu mạng thú vật bằng cách mua chúng rồi thả chúng ra. Trong một bài đạo ca, ngài đã kể lại rằng cho đến năm ngài năm mươi sáu tuổi (ngài thọ đến tuổi bảy mươi), ngài đã cứu mạng và phóng sinh được cả thảy vài trăm ngàn sinh mạng thú vật.
Thật ra, trong thời niên thiếu, có một câu chuyện xảy ra trên chuyến đi hành hương thủ đô Lhasa và câu chuyện này đã trở thành mốc điểm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cá nhân của ngài. Giữa những buổi viếng thăm các đền đài, tu viện, chư tăng, cũng như thăm viếng những nhân vật lãnh đạo tôn giáo và chính trị đương thời, ngài luôn luôn bị một ngôi chuà thu hút. Đó là ngôi chuà tên Jokhang nằm ngay giữ trung tâm thành phố Lhasa. Nơi đây có an vị một bức tượng của Jowo Rinpoche [tên người Tây-Tạng gọi đức Phật Thích Ca]. Bức tượng này là tượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và theo truyền thuyết, đã được tạc khi đức Phật Thích Ca vẫn còn tại thế. Bức tượng này đã và vẫn đang là một pháp bảo trân quý nhất trong gia tài Phật giáo Tây-Tạng, và trải qua nhiều thế kỷ, luôn luôn là pháp bảo đón nhận được nhiều chú ý nhất, từ tài vật cúng dường cho đến những lời cầu nguyện.
‘Một ngày nọ,’ theo như đại sư Shabkar kể lại trong tiểu sử của ngài,
‘tôi đã an trú trong sự hiện diện của đức Phật Thích Ca trong một khoảng thời gian kéo dài lâu, thật lâu. Tôi hết sức chí tâm chí thành khấn nguyện, và nhờ đó, đã bước chân vào được trạng thái an tĩnh sâu xa tuyệt đối. Sau đó, trong khi tôi đang bách bộ dọc theo con đường để đi nhiễu (circumambulation) chung quanh thành phố, tôi đã gặp phải xác của rất nhiều những con cừu và con dê đã bị giết chết. Ngay giây khắc đó, lòng từ bi như nước lũ dâng lên thật mãnh liệt trong tôi đến nỗi tôi không thể nào chịu đựng được nữa vì tôi quá thương xót cho tất cả những con thú đã bị giết chết trên cõi đời này. Tôi liền quay gót trở lại trước bức tượng của đức Phật, và trong khi đảnh lễ, tôi
đã phát nguyện như sau: ‘Bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi, con nguyện sẽ hoàn toàn chừa bỏ hành động xấu ác ăn thịt của chúng sinh, mỗi một chúng sinh đã từng là cha mẹ của con trong quá khứ.’ [KWGJ, f201]
Đó là năm 1812; đại sư Shabkar vừa tròn ba mươi mốt tuổi. ‘Từ giây phút đó trở đi,’ ngài kể tiếp,
‘không một ai còn sát hại thú vật để làm thức ăn dâng cúng cho tôi nữa. Tôi còn được nghe kể lại rằng, khi những vị thí chủ hảo tâm và trung thành của
tôi biết trước là tôi sắp ghé thăm, họ kháo với nhau là, ‘Đại sư này không ăn thịt, ngay cả thịt của một con vật đã chết một cách tự nhiên (chết già); chúng ta không thể để cho ngài thấy bất cứ cái gì dính đến thịt khi ngài ở đây.’ Và họ đem dấu đi hết tất cả những gì dính đến thịt. Điều hiển nhiên là không con
vật nào còn bị sát hại [để làm thức ăn] cho riêng bản thân tôi làm cho tôi tin chắc rằng đó là nhờ ơn gia hộ của chính đức Phật Thích Ca .’ [KWGJ, f201]
Quyết định từ bỏ ăn thịt của đại sư Shabkar biểu hiện một sự hy sinh đáng kể. Ngày hôm nay, những du khách đến thăm Tây-Tạng cho biết là cơm gạo và rau trái được nhập cảng qua từ Trung Quốc có thể tìm thấy dễ dàng ở nhiều nơi, nhưng vào thời đại của đại sư Shabkar thì không phải là như vậy.
Đúng là từ ngàn xưa, tại những vùng đồng bằng ở độ thấp thuộc miền nam và miền đông Tây-Tạng, người ta có thể trồng đủ ngũ cốc và rau trái cho phần lớn dân trong nước dùng để tô điểm thêm cho thói quen ăn uống nặng phần thịt thà. Nhưng nếu nói là vào thời đó, việc trồng trọt rau trái được phát triển ở mức độ quy mô có thể cung cấp đầy đủ số lượng dinh dưỡng cần thiết cho việc ăn uống bằng rau trái (ăn trường chay) thì điều này hoàn toàn khó có thể xảy ra. Không có rau trái nào có thể sống sót được ở những nơi mà độ cao là 20 ngàn thước Anh, và ở miền bắc Tây-Tạng thì chỉ toàn là những vùng đồng cỏ bao la bát ngát, phù hợp cho việc chăn nuôi những loại thú như trâu yak, dê và cừu mà thôi.
Bởi thế, hành động từ bỏ ăn thịt là một việc làm thật sự anh hùng, không dễ mấy ai làm được. Điều đó có nghĩa là phải hài lòng với việc ăn uống dinh dưỡng bao gồm những thức ăn đạm bạc như bơ, sữa đông lạnh, và tsampa. Tsampa là món ăn thuần tuý của người dân Tây-Tạng làm bằng bột xay từ lúa mạch đã được rang vàng; thông thường khi ăn, người ta trộn bột với nước trà hoặc với bơ rồi vo lại thành viên. Ăn uống như vậy có nghĩa là sức đề kháng sẽ bị thuyên giảm do thiếu chất đạm và thiếu chất vitamins. Đó cũng có nghĩa là sẽ dễ bị nhiễm lạnh do thiếu chất mỡ trong người. Ta có thể hiểu được dễ dàng là lối ăn uống kham khổ đạm bạc như vậy nằm ngoài khả năng chịu đựng của đại đa số quần chúng tại Tây-Tạng. Ngay cả ở một quốc gia mà tinh thần Đại-Thừa bàng bạc khắp mọi nơi, nơi mà không một ai không biết đến những giáo huấn của đức Phật về lòng từ bi thì việc phải thực hành giáo huấn từ bi này qua thói quen ăn uống hằng ngày là một việc làm bất khả đối với số đông dân chúng.
Trong trường hợp của những tu viện lớn, nếu như có chư tăng nào có ước nguyện hoàn toàn bỏ ăn thịt thì điều đó cũng không thể thực hiện được vì chùa sẽ không có đủ số lượng rau trái để cung cấp cho quý thầy này. Việc trở thành một người ăn trường chay tại Tây-Tạng đòi hỏi một sức chịu đựng mạnh mẽ và một tấm lòng cương quyết chỉ có thể đến được từ một niềm tin sắt đá nhất mà thôi.
Tất cả những điều đã được nêu ra ở trên — chẳng hạn như công phu tu tập của đại sư Shabkar đã trải rộng khắp tất cả các giáo huấn, hoặc tình đoàn kết vô điều kiện của ngài với tất cả các giòng truyền thưà của Phật-giáo Tây-Tạng, hoặc sự nghiêm túc và hoàn hảo của nhân cách của ngài, hoặc những hy sinh mà ngài sẵn sàng chấp nhận cốt chỉ để được sống cho đúng với lý tưởng và những hiểu biết rốt ráo của mình — tất cả những điều này đủ để đại sư Shabkar có được một chỗ đứng khác thường, và cho phép ngài nói lên tiếng nói chính thức cho cả một truyền thống [của những người nguyện bỏ thịt ăn chay]. Do đó, những gì ngài nói ra về vấn đề ăn thịt và sự liên hệ giữa việc ăn thịt và việc thực hành Phật pháp là những điều rất quan trọng. Chúng ta cần phải lắng nghe, cho dù rất có thể những điều này đi ngược lại với cái nhìn và những gì mà chúng ta yêu thích, hoặc có chiều hướng nằm ngoài khả năng thực hiện của chúng ta.
Trước khi chúng ta đào sâu chi tiết về những lý luận của đại sư Shabkar, chúng ta cần nên phổ biến cho mọi người biết điều này: thật là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được, để đi đến một định nghĩa chung dựa trên giáo lý của đạo Phật về vấn đề ăn thịt — định nghĩa chung nào mà có thể kêu gọi được sự biểu đồng tình từ tất cả các phe phái. Điều này vô cùng khó bởi vì chính thái độ của đức Phật về vấn đề ăn thịt, như đã được ghi lại trong kinh điển, xem chừng là một thái độ mơ hồ, không rõ ràng. Trong một số kinh điển, nhất là trong các bộ kinh tìm thấy trong truyền thống Tiểu-Thừa, chúng ta thấy là đức Phật khuyên các đệ tử nên bỏ ăn chỉ có vài ba loại thịt [được coi là không trong sạch]; do đó, lời khuyên này có hàm ý là ngoài ba loại thịt không trong sạch đã bị cấm thì thịt nói chung là một món ăn có thể chấp nhận được. Đức Phật cũng cho phép tăng đoàn ăn những loại thịt đặc biệt có đủ tiêu chuẩn [được coi là trong sạch]. Trong những dịp khác, người ta nói là chính đức Phật cũng đã ăn thịt, và có những nguồn tin xác nhận rằng cái chết của đức Phật xảy ra vì ngài đã ăn phải một món thịt heo đã nhiễm độc do đệ tử cúng dường. Điều này đã gây ra ít nhiều tranh cãi. Ở những nơi khác, rõ ràng nhất là trong kinh Lăng-già (Lankavatara-sutra) cũng như trong các kinh điển Đại-Thừa khác, đức Phật lại chỉ trích việc ăn thịt một cách nặng nề bằng những lời lẽ quyết liệt nhất, và cấm ngặt việc ăn thịt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cuối cùng, trong một số các bộ luận đặc biệt thuộc về Mật-Điển, việc ăn thịt, cũng như uống rượu, không những được cho phép mà còn có vẻ như được tán thành và cổ võ.
Đại sư Shabkar đã tiếp cận vấn đề hóc búa này bằng tinh thần của con đường chuyển hoá từ từ (the gradual path), và ngài giải thích về những xung đột quá rõ ràng trong kinh điển như là những biểu lộ của khả năng giáo huấn của đức Phật. Đã chứng được đạo quả giác ngộ, đức Phật không có ý định đi tìm cách chứng minh quyền năng của ngài bằng cách tuyên bố rằng chân đế tối thượng hoà nhập tánh Không, vì ngài biết rằng điều này nằm ngoài khả năng lãnh hội của thính chúng. Ước nguyện đầu tiên của ngài là giúp cho những người khác đạt đến được trình độ hiểu biết như ngài, và qua cách đó, ngài là một người vô cùng thực tiễn. Ngài biết là người ta chỉ có thể chuyển hoá nhờ vào những gì mà người ta có thể hiểu được hoặc thực sự áp dụng được, nên ngài không làm cho họ bối rối với những lời lẽ cao siêu, viễn vông, hay cố gắng áp đặt những giới luật nằm ngoài khả năng của họ. Ngược lại, ngài đã thuyết pháp tuỳ theo căn cơ và nhu cầu của đại chúng.
Do đó, những giáo huấn được ghi lại trong kinh điển là những chứng cứ tuỳ hoàn cảnh, được nói ra trong một trường hợp đặc biệt nào đó, với riêng một số cá nhân nào đó. Giáo huấn thích hợp với một cá nhân hay một nhóm nhỏ cá nhân không nhất thiết là thích hợp cho những kẻ khác. Những lời hướng dẫn dành riêng cho những đệ tử căn cơ thượng thừa có phần nào gần gũi với chính hiểu biết của đức Phật, chắc chắn những lời hướng dẫn này không thể phù hợp với những đệ tử sơ căn là những người rất cần một con đường chuyển hóa từ từ. Tất cả kinh điển Phật giáo biểu trưng cho toàn bộ giáo huấn ở tầm mức rộng rãi, nhưng tựu chung, tất cả những giáo huấn này chỉ có một mục tiêu duy nhất là đưa chúng sinh đến bờ giải thoát.
Có hai điều mà chúng ta có thể kết luận được sau đây. Thứ nhất, phải công nhận là có một hệ thống giáo huấn rất quy củ, rất xác thực. Hệ thống giáo huấn này gồm có những hướng dẫn căn bản, cần thiết được giảng dạy tuỳ theo nhu cầu, và tiếp theo sau đó, là những hướng dẫn ở mức độ đòi hỏi cao hơn, được đào sâu hơn khi nào học trò đã sẵn sàng hơn. Đối với đại sư Shabkar cũng như đối với tất cả các vị thầy theo truyền thống Phật giáo Tây-Tạng, những giáo huấn được đề ra trong Tiểu-Thừa là những giáo huấn tột cùng quan trọng, đặt nền móng cho sự hiểu biết chín chắn và thực hành chín chắn. Nhưng những giáo huấn này không phải là chấm hết. Những giáo huấn của Đại-thừa vượt trội lên trên những giáo huấn Tiểu-Thừa, và cũng như thế,ngay trong truyền thống Đại-Thừa, những giáo huấn Kinh-Điển là nền móng chuẩn bị cho sự vượt trội của những giáo huấn về Mật-Điển. Nhờ vào đó, toàn bộ giáo huấn của đức Phật đã dung nhập một cách rất hoà hợp và khít khao; những hướng dẫn xem chừng thiếu sót ở tầm nhìn cao được đặt đúng vào vị trí căn bản, cần cho sự chuẩn bị ở phía dưới của cây thước đo. Nếu nhìn theo cái nhìn như trên thì những giáo huấn trong kinh điển của cả Tiểu-Thừa lẫn Đại-Thừa đều có thể hoà hợp thống nhất với nhau, và thật sự không cần thiết để phải ước đóan, như có một số người có thẩm quyền đã làm, rằng có thể có nhiều kinh điển đã được học trò đời sau hoặc tự ý thêm vào, hoặc cố tình diễn giải sai lạc những lời Phật dạy.
Kết luận quan trọng thứ nhì là những các giáo huấn của đức Phật đều vô cùng xác thực tuỳ trường hợp và tùy hoàn cảnh mà giáo huấn đó đã được giảng dạy. Thật là một lỗi lầm to lớn nếu ta trích dẫn và áp dụng những giáo huấn này một cách chung chung, không đặt chúng trong đúng khung cảnh đã được đề ra cho việc chỉ dạy. Do đó, phải hiểu là một giáo huấn được đưa ra trong khung cảnh Tiểu-Thưà nằm bên ngoài khung cảnh của Đại-Thưà, cũng như giáo huấn này sẽ không xác thực cho mấy khi được đem lồng vào khung cảnh Đại-Thừa. Như đại sư Shabkar đã chứng minh cho chúng ta thấy, phần lớn, chính cách nhìn hời hợt và sai lạc của chúng ta khi đọc kinh điển đã đưa đến tình trạng hoang mang bối rối [khi chúng ta đề cập đến] vấn đề ăn mặn trong đạo Phật.
Như chúng ta đã nhận thấy, cho dù truyền thống Đại-Thừa hiện diện khắp nơi ở Tây-Tạng, cho dù rất nhiều vị đại sư đã thuyết giảng và sống theo đúng tất cả những gì rốt ráo tinh khiết nhất của giáo huấn của Đại-Thừa, nhưng việc áp dụng tinh thần Đại-Thưà trên vấn đề ăn thịt là một áp dụng không thực tế với đa số người dân Tây-Tạng. Và như chúng ta đã suy đoán, cách dùng kinh điển và trích dẫn kinh điển vô căn cứ (đặt bên ngoài hoàn cảnh mà giáo huấn đó đã đuợc giảng dạy), thật ra chỉ là một phần của một khung cảnh ‘nhân tạo.’ Khi người ta bị cưỡng ép, chính vì những yếu điểm của họ, để hành động trái ngược lại với lý tưởng thì điều tự nhiên nhất là người ta sẽ cố gắng tìm cách biện minh hoặc chứng minh rằng việc làm của mình là đúng, một là để đỡ quê mặt, hai là để làm nhẹ bớt hậu quả tâm lý nặng trĩu gây ra vì việc làm này. Trong những trường hợp thực sự khó khăn, điều tự nhiên nhất người ta làm vẫn là không tìm cách chống chỏi mà cứ buông xuôi theo hoàn cảnh. Chẳng hạn như ở hai vùng Kham và Amdo, vào cuối mùa đông, người ta đói kinh khủng là đói. Nếu vào lúc đó, người ta có thịt để ăn thì phải là một người có trái tim sắt đá ghê lắm mới nỡ lên tiếng phê bình và đặt câu hỏi với những kẻ đi mua thịt về để ăn– cho dù những kẻ này chẳng hề lo nghĩ xem thịt này từ đâu tới và tự cho là họ không có trách nhiệm gì hết với cái chết của con vật.
Nhưng cho dù những lý luận dựa trên hoàn cảnh đặc biệt này, đã và đang từng có sức thuyết phục đến thế nào chăng nữa tại Tây-Tạng, thì điều quan trọng vẫn là việc phải tiếp tục giữ gìn những nguyên tắc trọng yếu. Cho dù việc ăn thịt có thể được biện minh một cách thích đáng trong một vài trường hợp cá nhân hoặc hoàn cảnh đặc biệt, nhưng chúng ta không thể để cho điều này che mờ một sự thật hiển nhiên khác: đó là việc ăn thịt có khả năng phá hoại lý tưởng Đại-Thừa, và trong những trường hợp bình thường khác, việc ăn thịt tự nó là một việc làm không thể nào chống chế hay bào chữa được. Có một điều rất rõ ràng trong những trước tác của đại sư Shabkar, điều này trở thành là một trong những mối bận tâm nhất của ngài: Cho dù những điều kiện thực tế có khó khăn đến cách mấy chăng nữa thì chúng ta vẫn cần phải cất lên tiếng nói trung thực và giữ cho lý tưởng sống còn. Tất cả những điều này đã giúp đưa đại sư Shabkar lên một địa vị sắc sảo, nổi bật hơn nữa. Những giáo huấn về vấn đề ăn thịt của ngài xem chừng rất lạ thường và quá lý tưởng ngay chính ở phương Tây giàu mạnh, đừng nói chi đến xứ Tây-Tạng với những điều kiện sống vô cùng kham khổ, khắc nghiệt.
Cho dù như vậy, điều hiển nhiên ở đây là không có giới luật nào mà không uyển chuyển [không có cái gì quá cứng ngắc, quá cố định]. Bất kể khung cảnh văn hoá địa dư như thế nào thì hành động cư xử của mỗi người vẫn tuỳ thuộc nơi căn cơ và sự lựa chọn của riêng cá nhân. Có một điều rõ ràng là [khi phải lựa chọn hành động], sự thành-tâm-dựa-trên-hiểu-biết-đúng-đắn là yếu tố quan trọng nhất, cho dù lắm khi ta phải công nhận là sự ‘tự lừa dối’ cũng có thể trở thành một người bạn đường dai dẳng, nhất là khi khả năng xét đóan của ta bị lòng ham muốn và năng lực của thói quen lôi kéo.
Đại sư Shabkar hoàn toàn ý thức về những yếu tố rắc rối này, và thái độ của ngài đến từ một cái nhìn thực tiễn nhuộm lòng từ bi. Ngài ân hận và thương xót nhìn thấy cảnh tượng [người ta ăn thịt], nhưng đồng thời, ngài cũng biết rất rõ pháp tu [bỏ ăn thịt] mà ngài đang cổ võ là một việc làm quá tầm tay với đối với rất nhiều đồng bào Tây-Tạng của ngài. Dù sao đi nữa, ngài vẫn tiếp tục cổ võ pháp tu này, nhưng cổ võ mà không xét đoán hay ra mặt đạo đức. Ngài thương xót cho những nạn nhân của đồ tể, và tỏ ra thiếu kiên nhẫn với thuật ngụy biện và đạo đức giả của một số các pháp tu đã ổn định lâu đời. Nhưng ngài cũng biết là trong những trường hợp này — rất có thể là trong bất cứ trường hợp nào khác cũng thế — điều tốt nhất mà ngài có thể làm để giúp cho hoàn cảnh trở nên sáng sủa hơn là thuyết phục và làm gương cho mọi người.
Phần đầu trong quyển tiểu sử của đại sư Shabkar được kết thúc bằng những câu kệ, ngài đã duyệt lại thành quả của mình kể cho đến ngày hôm đó, tức là cho đến năm ngài 56 tuổi. Tự lên tiếng thay cho mình, ngài nói như sau, ‘Tôi đã giữ trọn giới khất sĩ Ba-la-đề-mộc-xoa (Pratimoksha), Bồ-Tát giới, cũng như những giới của Mật-Thừa. Tôi đã từ bỏ thịt, rượu, tỏi, hành, và thuốc lá, và nuôi sống tôi bằng ba thực phẩm trắng, ba thực phẩm ngọt, bằng trà và bơ và bột tsampa.’ [KWGJ, f480b] Sau đó, ngài nhắc đến những đệ tử của ngài: 108 đại đệ tử tâm truyền, 1,800 đại thiền giả, cả nam lẫn nữ, mười ngàn, trăm ngàn những vị tăng ni là môn đồ của ngài hiện đang sống trong những tu viện, cũng như vô số những đạo sư du-già, những hành giả sống tại các làng mạc, cùng những người tu tại gia, họ đã cố gắng tu tập như thế nào qua việc cầu nguyện, nhịn ăn (fasting), và trì chú. Trong số đệ tử khổng lồ này, ngài nhắc riêng đến một số người mà ngài dành cho danh dự đặc biệt, những người này ‘nhờ chứng đắc được tâm từ bi và tâm Bồ-Đề tối thượng, đã hoàn toàn bỏ ăn thịt.’ [KWGJ, f480b] Số người này lên đến khoảng 300 người — một con số ít ỏi so với tổng số đệ tử của ngài nhưng đã được ngài nhắc đến với tất cả lòng hoan hỉ biết ơn.
Tất cả những đệ tử còn lại của đại sư Shabkar đều là dân ăn thịt — ngài đã thâu nhận họ như những người học trò cần được huấn luyện trên con đường tu. Trong phần viết về ‘Những Lỗi Lầm Của Việc Ăn Thịt’ (The Faults of Eating Meat), đại sư Shabkar trích dẫn Đại-bát Niết-bàn kinh (Mahaparinirvana-sutra), trong đó đức Phật có nói rằng, ‘Giáo huấn của ta không giống như là giáo huấn của một kẻ trần truồng tu khổ hạnh. Ta, đấng Như Lai, đưa ra những giới luật có liên hệ với từng trường hợp của từng cá nhân.’ Noi theo truyền thống đó, đại sư Shabkar không phải là một người theo chủ nghĩa cố chấp, chỉ biết cổ võ một giới luật duy nhất trong tất cả mọi hoàn cảnh. Điều ngài quan tâm đến nhất là mọi người cần phải thay đổi và trưởng thành. Đối với chúng ta là những người đang đi trên con đường đạo, chúng ta đang phải đối diện với những đòi hỏi đôi khi quá sức chịu đựng của mình. Do đó, phương cách hữu hiệu và thực tế nhất để chúng ta có thể tiếp cận những vấn đề này là tự nhận lấy một thái độ nhún nhường, và sẵn sàng dấn bước khởi đầu từ ngay nơi chúng ta đang đứng (‘start where we are’), với tất cả vốn liếng thô thiển sẵn có trong ta, với tất cả những cá tính của riêng ta, những nhu cầu của ta, những yếu điểm của ta. Nếu, vì bất cứ lý do gì mà chúng ta không thể bỏ ăn thịt được thì chính trong địa vị của người đang ăn thịt, chúng ta sẽ khởi sự tự rèn luyện. Và hiển nhiên là chúng ta đang được rèn luyện và đang tiến dần đến một mục đích. Chỉ một điều này không thôi cũng đủ là lý do chính đáng để ta cần phải tôn trọng ý kiến [về việc bỏ ăn thịt] và không nên áp đảo ý kiến này bằng những tranh luận phiến diện. Khi ta chấp nhận rằng ta có tiềm năng để thay đổi thì đây chính là điều kiện tiên quyết cho những tiến triển đạo đức. Theo bước chân của chư Bồ-Tát, ta phải sẵn sàng chờ đợi chuyện ta sẽ được chuyển hoá; và trong chiều sâu và chiều rộng của sự chuyển hoá đó, thì chuyện ta có thể phải điều chỉnh cách thức ăn uống dinh dưỡng xem ra cũng chỉ là một thay đổi rất nhỏ bé mà thôi.
Shabkar và Truyền Thống Ăn Chay Trong Phật Giáo Tây Tạng, Đại sư Shabkar(ấn bản PDF để in)
Lời Giới Thiệu của Nhóm Dịch Thuật Padmakara
SHABKAR Và TRUYỀN THỐNG ĂN CHAY TRONG PHẬT GIÁO TÂY-TẠNG
Trích từ tập sách ‘Thức Ăn Cho Bồ Tát‘ Những Giáo Huấn Của Đạo Phật Về ViệcTừ Bỏ Ăn Thịt (Padmakara Translation Group 2004)
Tập sách ‘Food For Bodhisattvas’ (Thức Ăn Cho Bồ Tát) của Đại sư Shabkar do nhóm Padmakara Translation Group chuyển Anh-ngữ và do Shambhala Publications xuất bản vào năm 2004 www.shambhala.com
________________________________________________________
Tâm-Bảo-Đàn chuyển Việt-ngữ trích đoạn Lời Giới Thiệu của tập sách trên do nhóm Padmakara biên soạn để cúng dường Drubwang Norbu Rinpoche
tháng 9/ 2005.
OM MANI PADME HUNG
Viet_Vajra Foundation trình bày và ấn tống tháng 11/2006
để kỷ niệm ngày ra mắt trang nhà www.shabkar.org – A Non-profit Website Dedicated to Vegetarianism as a Buddhist Way of Life.
Muốn nhận bản gốc điện tử hoặc đọc các tài liệu dịch thuật về Kim Cang Thừa-Phật Giáo Tây Tạng, xin vào xem trang nhà www.vietvajra.org
Mọi sai sót là của người chuyển Việt-ngữ.
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh
SHABKAR Và TRUYỀN THỐNG ĂN CHAY
TRONG PHẬT GIÁO TÂY-TẠNG
Lời Giới Thiệu của Nhóm Dịch Thuật Padmakara
Trích từ tập sách ‘Thức Ăn Cho Bồ Tát‘ của Đại sư Shabkar
Những Giáo Huấn Của Đạo Phật Về ViệcTừ Bỏ Ăn Thịt
Padmakara Translation Group 2004 – Tâm-Bảo-Đàn chuyển Việt-ngữ
Có những người tuy không hiểu biết nhiều về Phật Giáo nhưng lại có phần nào quen thuộc với giáo lý bất bạo động và từ bi của đao Phật, những người này thường hay lầm tưởng rằng giới Phật tử đều ăn chay. Họ có phần nào ngạc nhiên pha chút thất vọng khi khám phá ra rằng rất đông Phật tử ở cả phương Đông lẫn phương Tây vẫn thường ăn thịt (ăn mặn), cho dù không nhất thiết là tất cả Phật tử ai ai cũng ăn thịt như vậy.
Bỏ qua bên lề vô số những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ăn thịt của người Phật tử, dù riêng tư hay liên quan đến hoàn cảnh xã hội, thì thái độ chung chung của giới ‘Phật tử ăn mặn’ đều nằm dưới sự chi phối của những yếu tố văn hoá và lịch sử, mỗi quốc gia một khác biệt, không quốc gia nào giống quốc gia nào.
Một ví dụ điển hình là giới Phật tử tu theo Đại Thừa tại hai quốc gia Trung Hoa và Việt Nam, sống một nếp sống cổ truyền, giới Phật tử này thường thường là những nguời ăn chay thuần thành. Ngược lại, tại Nhật Bản chẳng hạn, không có gì lạ lùng khi thấy Phật tử ăn mặn, và hơn thế nữa, tại Tây-Tạng, chuyện Phật tử ăn mặn gần như luôn luôn là chuyện đương nhiên. Khi Phật Giáo bắt đầu lan truyền qua Âu Châu, Mỹ Châu và nhiều nơi khác, những người đệ tử mới tại các nơi này tự động áp dụng thái độ và các pháp tu tiêu biểu của truyền thống tu nào mà họ đang noi theo. Điều này thật ra cũng là điều rất tự nhiên.
Tây-Tạng là một quốc gia tại châu Á mà toàn bộ giáo huấn Phật Giáo đã được truyền thẳng từ Ấn Độ vào Tây-Tạng [không đi qua một trung gian nào]. Bắt đầu từ thế kỷ thứ tám trở đi cho đến nay, người dân Tây-Tạng đã một lòng gắn bó với giáo pháp cao sâu của truyền thống Đại Thừa, dưới cả hai dạng Kinh-điển lẫn Mật-điển, qua công phu nghiên cứu, chiêm nghiệm và thực hành giáo pháp này trong đời sống hằng ngày, một giáo pháp nghiêng về trí tuệ và phát triển tâm từ bi hoàn vũ.
Hơn thế nữa, điều mà ai cũng thấy rõ là chính giáo pháp và thái độ sống phổ thông trong mọi tầng lớp của người dân Tây Tạng nói chung, đã tạo được một ảnh hưởng rất sâu sắc trong mối liên hệ giữa người dân Tây-Tạng và môi trường thiên nhiên chung quanh.
Trước ngày Tây-Tạng bị Trung Cộng xâm lăng, khi những người khách du lịch từ châu Âu lần đầu đặt chân đến Tây-Tạng và toàn vùng Hy Mã Lạp Sơn, họ đều sửng sốt khi nhìn thấy cảnh sống vô cùng ôn hoà và rực rỡ của chim muông, dã thú. Trong một quốc gia mà săn bắn là một hoạt động rất hiếm hoi, hầu như đều bị mọi người lên án, thì dã thú, chim muông chẳng còn chút gì phải sợ hãi loài người. Tuy là như thế, nhưng sự thật hiển nhiên là ngườI dân Tây-Tạng nói chung, từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, vẫn luôn luôn là những người ăn rất nhiều thịt. Lý do chính yếu [đưa tới tình trạng ăn nhiều thịt này] có liên hệ đến hai yếu tố thời tiết và địa dư. Tại Tây Tạng, phần lớn đất đai nằm trên một độ cao mà mọi việc trồng trọt, canh nông đều là việc bất khả.
Lẽ dĩ nhiên, thói quen lâu đời thường mọc rễ, trở thành điều ưa chuộng đặc biệt không thể thiếu, và ngay cả đã có sẵn một niềm tin vững chắc vào đạo pháp thì rất nhiều người Tây-Tạng hiện đang sinh sống tại nhiều vùng đất khác nhau trên quả địa cầu vẫn chưa thay đổi được cách thức ăn uống dinh dưỡng của họ. Điều này tự nó cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
Phải từ bỏ những thói quen lâu đời là một việc làm rất khó, và việc đầu tiên mà khách du lịch hay dân di tản khắp nơi trên thế giới thường làm một cách thôi thúc là nhập cảng và cố tìm mua cho bằng được đủ mọi loại thực phẩm của riêng xứ họ.
Cũng giống như những người còn lại trong cộng đồng nhân loại, người dân Tây-Tạng thấy thịt là thức ăn rất ngon miệng, và họ thường thưởng thức với tất cả sự hào hứng thích thú. Nhưng ngay cả nếu chuyện ăn thịt đã và đang là một tập quán bình thường đối với người dân bên trong xứ Tây-Tạng cũng như đối với cộng đồng lưu vong bên ngoài Tây-Tạng, thì phương pháp tu tập hằng ngày của truyền thống Đại Thừa, chẳng hạn như sự thường xuyên quán chiếu về tâm từ bi và ước nguyện làm Bồ-Tát giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ — phương pháp tu tập này làm cho ta không thể nào không lên tiếng đặt câu hỏi về việc ăn thịt [của người Phật tử].
Theo mẫu mực bình thường thì người Phật-tử Tây-Tạng, ngay cả những người công nhận mình thuộc dân ăn mặn chính cống, cũng không hoàn toàn vô cảm trước vấn đề ăn thịt này. Nhiều người công nhận một cách thẳng thắn là việc ăn thịt không thể nào không liên hệ đến hành động sát hại thú vật một cách có tính toán, và cũng thẳng thắn công nhận là việc ăn thịt là một chuyện thiếu lý tưởng, không thích hợp chút nào cho những người Phật tử đang thực hành theo Phật pháp. Có nhiều người Tây-Tạng cũng cố gắng tránh ăn thịt trong những ngày lễ, cũng như trong những thời điểm thiêng liêng trong năm. Nhiều người tỏ vẻ kính phục truyền thống ăn chay; và rất hiếm có một vị lạt-ma nào không ca ngợi và cổ võ những ai có thể ăn chay cho dù chính vị lạt-ma đó vẫn đang ăn mặn vì lý do này hay lý do khác.
Trong cộng đồng lưu vong Tây-Tạng tại hai xứ Ấn-Độ và Nepal, có nhiều thay đổi về phong tục tập quán đang từ từ thành hình, nhất là trong giới trẻ, bởi vì việc ăn thịt không bắt rễ một cách sâu xa đến vậy trong khung cảnh văn hoá của hai quốc gia này. Một số tu viện, kể cả tu viện Namgyal Dratsang, tu viện gốc của đức Đạt-Lai Lạt-Ma [tại Ấn Độ], đã không cho phép việc nấu nướng thịt thà trong nhà bếp của tu viện nữa. Và ngay cả khi việc chọn lựa ăn chay ăn mặn của mỗi tu viện là một chọn lựa có tính cách độc lập, thì tại ngay những tu viện này, số các vị tu sĩ và nữ tu sĩ bắt đầu hoàn toàn từ bỏ ăn thịt ngày càng đông.
Đối với riêng những hành giả tại phương Tây, hoàn cảnh của chúng ta có nhiều điểm dị biệt. Khác với người Tây-Tạng, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra được đủ loại rau trái bổ dưỡng ở những nơi mà chúng ta đang sinh sống. Cho dù như vậy, [điều đáng tiếc là] chúng ta lại đến từ một nền văn hoá mà cả hai truyền thống tôn giáo lẫn đạo lý đều cho phép và khuyến khích việc ăn thịt. Cái nhìn từ bi đối với thú vật là một cái nhìn vốn sẵn có trong tư tưởng Phật giáo và đã thấm nhuần trong tâm thức của người dân Tây-Tạng cho dù cách thức ăn uống dinh dưỡng của họ không thực sự đi sát với cái nhìn từ bi này.
Ngược lại, xã hội mà chúng ta đang sinh sống hoàn toàn không có được cái nhìn từ bi như vậy. Phần lớn, trong thế giới ngày nay, cách đối xử nhân đạo của chúng ta với những con thú nuôi trong nhà chịu ảnh hưởng của tâm lý tình cảm và những cân nhắc liên quan đến tiền bạc, vật chất. Cách đối xử nhân đạo của chúng ta với những con thú nuôi trong nhà này không phát mầm từ sự hiểu biết rằng thú vật là những sinh vật cũng được thọ hưởng trí óc và xúc cảm không khác gì chúng ta, và tự bản chất, chúng cũng đang phải trải qua những cảnh khổ luân hồi không khác gì chúng ta. Dù sao đi nữa, đối với những người Phật tử ở phương Tây, những người do thói quen lẫn ham muốn đã trở thành ‘dân ăn thịt,’ thì sự thử thách dựa trên câu hỏi nêu ra về vấn đề ‘ăn mặn’ của Phật giáo nói chung, và của truyền thống đại thừa nói riêng, có chìu hướng bị ủ dột, trì trệ thêm. Bởi vì, như những lý do đã được nêu ra ở trên, người Tây-Tạng cho dù có thành tâm đến mấy chăng nữa thì họ cũng chẳng giúp được gì nhiều cho các bạn đồng tu ở phương Tây [trên vấn đề này], ngoại trừ một số hướng dẫn lý thuyết suông.
Tình trạng này còn trở nên rắc rối hơn nữa chính vì sự thâm nhập của một số lý lẽ biện minh theo truyền thống xưa cũ, được đưa ra cốt để tha thứ cho việc ăn thịt của giới Phật tử. Những lý lẽ biện minh này đã được nhiều người ở phương Tây chấp nhận quá mức dễ dàng, thiếu óc phê phán. Có lẽ vì chính những người này đã không đủ khả năng hoặc không đủ ý chí để cân nhắn và lựa chọn một lối sống khác.
Những lý lẽ biện minh này gồm có: (1) ý niệm về ba loại thịt thuần tịnh (tam tịnh nhục), (2) tư tưởng rằng con vật nối được liên hệ tâm thức với Phật pháp (và từ đó được nhiều lợi lạc) khi thịt của chúng được chính các hành giả nhai ăn, và (3) còn nhiều ý niệm khác nữa, đến từ cái nhìn lệch lạc gom góp từ trong kinh điển đã đọc.
Như đại sư Shabkar đã trình bày cho chúng ta thấy, những tranh luận này hoàn toàn sai lạc, hoặc sai lạc quá nửa, và đòi hỏi một lối diễn giải nghiêm túc, trung thực hơn. […] Thật ra việc này cũng dễ hiểu bởi vì những lý lẽ biện minh trên được nêu lên với chút ân hận trong lòng; đây là những cố gắng rất ‘người’ (rất ‘gượng ép nhân tạo’) để cứu vãn lương tâm ray rứt khi việc từ bỏ ăn thịt trở nên quá khó. Nhưng trong một hoàn cảnh bình thường, với những người bình thường [muốn tìm hiểu về vấn đề này một cách nghiêm chỉnh], thì thật là một sai lầm nếu ta cho rằng những lý lẽ biện minh đó là những diễn đạt nguyên lý rốt ráo.
Dù sao đi nữa, điều quan trọng cần biết là tại Tây-Tạng, hiện nay, cũng như trong quá khứ, đã luôn luôn có một quan điểm hoàn toàn khác biệt với những lý lẽ biện minh kia. Điều này đã hiện diện ngay từ những ngày đầu tiên nhất của lịch sử Phật giáo tại Tây-tạng. Quan điểm này đã được xác nhận một cách vô cùng cương quyết trong những giáo huấn của đại sư Atisha và của những đệ tử thuộc giòng truyền thừa Kadampa của ngài. Quan điểm này cũng được một số nhỏ các cá nhân anh hùng tiếp tục ủng hộ và chứng thực trong từng thế hệ nối tiếp. Những trang sách được chuyển ngữ sau đây sẽ cho chúng ta thấy rằng đại sư Shabkar chính là một người thuộc trong ‘pháp hội vinh quang’ này — pháp hội bao gồm những vị Bồ-tát thực hành theo cả Kinh-điển lẫn Mật-điển. Nương vào tình thương của họ đối với chúng sinh, và sự quán chiếu của họ về sự đau khổ chúng sinh phải hứng chịu mà những vị Bồ-Tát này đã quyết định từ bỏ ăn thịt cho dù có phải chịu đựng tất cả những thử thách to lớn, trong một hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, khắc nghiệt.
Trong những thảo luận của đại sư Shabkar về vấn đề ăn chay ăn mặn, ngài đã nêu ra những câu hỏi vô cùng sâu sắc liên quan nhiều khiá cạnh khác nhau của đạo Phật, ngang tầm vóc với các giáo huấn thuộc Bà-la-đề-mộc-xoa, Đại Thừa và Kim-Cang Thừa. Và như một người đang quan sát nhân loại với một tấm lòng từ bi rất sáng suốt, đại sư Shabkar đã phất một luồng ánh sáng vô cùng rực rỡ sắc sảo lên trên nền tảng xã hội và tôn giáo của thời đại của ngài.
Tác Giả Shabkar
Đại sư Shabkar Tsogdruk Rangdrol (1781-1851) đã để lại nhiều pho văn tự đồ sộ, trong số đó có hai tài liệu viết về tiểu sử của chính ngài, là một trong những tài liệu được yêu chuộng và gây nhiều nguồn cảm hứng nhất trong văn chương Tây-Tạng. Ngoài kho tàng thi ca gồm những bài thơ và đạo ca trong hai văn kiện tiểu sử này, đại sư Shabkar đã kể lại cho chúng ta nghe về sự nghiệp tâm linh của ngài, khởi đầu bằng sự phát tâm từ bỏ thế gian ngay trong thời thơ ấu, để cuối cùng dẫn đến thành đạt trọn vẹn quả vị giác ngộ.
Ngài đã bỏ gần như trọn cuộc đời trong động thất, hoặc vân du đây đó khắp nơi như một kẻ hành hương, thăm viếng rất nhiều những địa điểm linh thiêng tại Tây-Tạng và toàn vùng Hy Mã Lạp Sơn — từ Amdo và vùng biên giới Mông Cổ ở phía bắc nơi ngài đã chào đời, cho đến rặng núi hùng vĩ ở Amnye Manchen, và từ đó, ngang qua hai tỉnh U và Tang ở miền trung, cho đến những khe núi ở Tsari, rồi đến Kailash, đỉnh núi linh thiêng ở miền tây, và sau đó, xuôi nam xuống thung lũng Kathmandu ở xứ Nepal.
Ngài là một người tột cùng tự do, sống bên lề xã hội. Phần lớn cuộc đời, ngài đã sống ẩn dật, trên những rặng núi cao, không có ai bên cạnh chăm lo cho cả, ngoại trừ, nếu có, một số rất ít những đệ tử tâm truyền nhất. Những đệ tử này là những người có đủ khả năng và ý chí để chịu đựng những khó khăn thử thách gây ra bởi cảnh sống khắc nghiệt, và đã nếm được vị tự do tuyệt hảo đến từ sự hoàn toàn từ bỏ những lo lắng tầm thường thế gian.
Đại sư Shabkar không hề bị lệ thuộc vào khuôn mẫu mực thước của xã hội hay của tăng đoàn, và tuy là một vị tỳ khưu thọ đủ tất cả các giới, ngài chưa hề bao giờ liên kết mật thiết với một hệ thống tăng-già có thế lực nào cả, cho dù bất cứ khi nào có dịp là ngài cũng đến thăm viếng và gia ơn [cho chư tăng tại các tu viện], nhiều khi với một tấm lòng quảng đại tuyệt vời. Rất yêu mến giới luật của đời sống tu viện, nhưng cũng hoà mình thể nhập trong cách sống tự do và cách hành pháp của những đạo sư du-già tu theo Mật-điển, chắc chắn ngài đã hiện ra như một mẫu người lập dị trong những chuyến hành hương liên tiếp của ngài, mặc y vá đụp của một vị tỳ khưu, với giải khăn choàng màu trắng khoác vai và với mái tóc dài không cắt tỉa của một đạo sư du-già.
Y phục bất thường của đại sư Shabkar đã phản ảnh hết sức trung thực nhân cách và những nỗ lực tâm linh của ngài. Là một vị tỳ khưu mà cũng là một đạo sư du-già, trong khi hành pháp, ngài đã phát triển pháp tu của Tiểu-Thừa bằng tâm đoạn tuyệt thế gian, pháp tu của Đại-Thừa bằng tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh, và pháp tu du-già tối mật của Mật-Thừa. Cả ba thừa này đều hiện diện trong Phật-giáo Tây-Tạng, được áp dụng từng giai đoạn trên con đường tu, và có liên hệ rất nhiều với giòng truyền thừa Kadampa.
Cho dù vào thời đại của đại sư Shabkar thì Kadampa không tồn tại như một giòng phái độc lập riêng rẽ nữa, nhưng những giáo pháp của truyền thống Kadampa về Lamrim (những-giai-đoạn-trên-con-đường-tu) đã tỏa ảnh hưởng vô cùng rộng lớn lên tất cả bốn tông phái chính của Phật-giáo Tây-Tạng, tạo nguồn cảm hứng cho những luận giải và trước tác tuyệt vời. Những trước tác này là hạt mầm nuôi lớn đời sống tôn giáo tại Tây-Tạng cho đến tận ngày hôm nay: chẳng hạn như luận giải ‘Khi Tâm An Tĩnh’ (The Mind at Rest) của đại sư Gyalwa Longchenpa, ‘Bảo Châu Trang Sức Của Giải Thoát’ (The Jewel Ornament of Liberation) của đại sư Je Gampopa, ‘Kho Tàng Của Những Đức Hạnh Cao Quý’ (The Treasure of Precious Qualities) của đại sư Vidyadhara Jigme Lingpa, và chính đại sư Je Tsongkhapa cũng đã viết ‘Đại Luận Giải Về Những Giai Đoạn Trên Con Đuờng Tu ’ (The Great Exposition of the Stages of the Path).
Dựa trên lời huấn thị của đại tôn sư Atisha, hình thái sinh hoạt bề ngoài của đại sư Shabkar được tô đậm bằng những giới luật thuần khiết của một nhà tu, trong khi đó, sâu bên trong, suốt cuộc đời ngài luôn luôn là một hành giả chuyên quán chiếu về lojong, cổ võ phương cách luyện tâm dựa trên tâm Bồ-Đề tương đối (relative bodhicitta) và tâm Bồ-Đề viên mãn (absolute bodhicitta). Sau rốt, trong hình thái sinh hoạt ẩn mật, ngài lại là một đạo sư du-già chứng đắc, đã thành tựu giác ngộ nhờ vào những pháp tu mật-điển, nhất là nhờ vào những giáo pháp mật truyền tối thượng của hai pháp Đại Viên Mãn (Dzogchen) và Đại Thủ Ấn (Mahamudra). Cả ba truyền thống Tiểu-Thưà, Đại-Thừa và Mật-Thừa đều được kết hợp trong cách ngài hành pháp, và chính ngài đã làm cho cách ngài hành pháp trở nên một thành tựu toàn bích, viên mãn.
Thái độ của đại sư Shabkar đối với những truyền thống khác nhau của Phật-giáo Tây-Tạng hòan toàn không bị bất cứ một đám mây thành khiến nào che mờ. Điều chắc chắn là bởi vì ngài đã sống một cuộc đời tự do độc lập tuyệt đối, không phải vướng mắc và trung thành với bất cứ tổ chức nào cũng như không phải bị lệ thuộc vào bất cứ một vị thí chủ nào. Cả cuộc đời ngài đã sống một đời sống ‘từ tay đưa lên đến miệng,’ [theo kiểu ai cho gì thì ăn nấy]. Ngài không có một mái chùa làm nơi tá túc cố định, và mọi nhu cầu cần thiết được thu gọn thành tuyệt đối tối thiểu. Nhiều đệ tử hết sức tin tưởng sùng bái ngài, đã cúng dường cho ngài rất nhiều tịnh tài, phẩm vật, nhưng ngài luôn luôn mau chóng chia sẻ, phân phối tất cả những thứ này cho người khác dưới hình thức cúng dường tôn giáo, hay bố thí từ thiện. Đạo pháp đối với ngài là việc phải huấn luyện và quán chiếu bản thân, không phải là chuyện liên kết với một giòng truyền thừa nào cả. Ngài rất yêu mến những giáo pháp của đức Phật dưới bất cứ hình dạng nào, và thái độ của ngài đối với tất cả các truyền thống tu học của đạo Phật là sự kính ngưỡng sùng bái chân thành.
Một lần nọ, khi còn trẻ, trong lúc đang viếng thăm đại tu viện Labrang Tshikhyil của giòng Gelugpa tại tỉnh Amdo, đại sư Shabkar đã cầu nguyện xin cho ngài được đủ túc duyên để thực hành Phật pháp một cách tuyệt vời trong sáng, không bị thành kiến làm cho hoen ố. Khi nhắc lại về câu chuyện này trong tiểu sử của ngài, ngài đã ghi lại nguyên văn một câu nói của đức Ban-Thiền Lạt-Ma (Panchen Lama), hoá thân đời thứ 5, minh xác về sự đáng tin cậy của tất cả các giòng phái khác nhau của Phật-giáo Tây-Tạng. Đức Ban-Thiền Lạt-Ma đã phát biểu rằng, ‘Dựa trên những lời nói này, tôi luôn luôn phát triển lòng kính ngưỡng và sùng bái đối với tất cả các vị thầy và các giáo huấn của các ngài, tôi nhìn thấy tất cả đều vô cùng thuần khiết.’ Điểm nổi bật nhất trong con người tôn giáo của đại sư Shabkar là mức độ kết hợp mà ngài đã vận dụng được giữa những giáo huấn của giòng Nyingma và những giáo huấn của giòng Gelug, hai giòng phái này trước giờ vẫn thường được coi là cách xa nhau như hai thái cực. Chuyện này xảy ra có lẽ cũng là nhờ vào ảnh hưởng xã hội, vì vùng đất đại sư Shabkar lớn lên nằm rất xa các trung tâm chính trị và quyền bính; nơi đây, các hành giả thuộc tất cả các tông phái khác nhau đều sống gần gũi và tự do trò truyện, trao đổi với nhau.
Gốc gác của đại sư Shabkar thuộc về giòng truyền thừa của những đạo sư du-già Nyingma ở Rekong, tỉnh Amdo. Giòng truyền thừa này rất nổi tiếng nhờ vào những lời nguyện cam kết (samaya) vô cùng trong sạch, và nhờ vào năng lực thần thông mà họ đã đạt được qua những chứng đắc tâm linh. Chính ở vùng đất Rekong này mà đại sư Shabkar đã khởi sự được rèn luyện về tôn giáo, và điều rất hiển nhiên là tất cả những hướng dẫn mà ngài nhận được trong thời gian này, từ lời giảng cho đến những tấm gương sáng trước mắt, đã để lại một dấu ấn không gì tẩy xóa được trên nhân cách của ngài.
Vào năm hai mươi tuổi, ngài thọ giới tỳ khưu với đại sư Arik Geshe Jampel Gyaltsen Oser, là vị trụ trì và nhà Phật học của một đại tu viện thuộc giòng Gelug. Chính đại sư Arik đã khuyên ngài nên đi tìm ngài Chogyal Ngakyi Wangpo, vị đại tôn sư lừng lẫy thuộc giòng Nyingma mà cũng chính là bổn sư của ngài. Từ đại tôn sư Chogyal Ngakyi Wango, ngài đã thọ lãnh tất cả những giáo pháp của giòng Nyingma Cổ-Mật (Old Translation school), trong đó có cả những hướng dẫn về trekcho và thogal thuộc pháp tu Đại Viên Mãn (Dzogchen); pháp Đại Viên Mãn sau này trở thành cốt lõi trong công phu tu luyện của riêng ngài.
Cho dù như thế, như đã được kể lại trong tiểu sử của ngài, đại sư Shabkar cũng thường xuyên nhận được những mật truyền và lễ quán đảnh từ các tân phái, chẳng hạn như pháp Migtsema mà ngài rất yêu chuộng, tức là bài khẩn nguyện nổi tiếng dâng lên đại sư Tsongkhapa, viên bảo ngọc trân quý của Xứ Tuyết Tây-Tạng.
Về sau, trên những chuyến hành trình đăng đẳng của ngài, ngài rất hoan hỉ được thăm viếng những cơ sở tu viện vĩ đại của giòng Gelug tại hai vùng U và Tsang ở trung phần; nơi đây ngài đã phát tâm cúng dường hết sức rộng rãi, và đã xin được thọ thêm nhiều giáo pháp tại đây. Ngoài ra, ngài cũng hành hương đến đại tu viện của giòng Sakya và thọ lễ gia lực với những người con trai của Wangdu Nyingpo, là vị nối dõi đời thứ 33 của giòng truyền thừa Sakya. Rồi nhân thể đang ở trong vùng lân cận, ngài không quên đến viếng tu viện Jonang Ganden Puntsoling, tu viện gốc của ngài Taranatha Kunga Nyingpo, nơi đây vẫn còn lưu giữ một tập tài liệu ghi lại những lời giảng dạy [của ngài Nyingpo] do chính đại sư Shabkar cho in lại từ một bản khắc bằng gỗ.
Cuối cùng, ngài hoàn toàn như người trở lại về mái nhà xưa khi sống giữa những vị đạo sư du-già thuộc giòng Kagyu ở đỉnh núi Kailash, và ở nhiều nơi khác nữa.
Khi đọc lại tiểu sử cuộc đời đại sư Shabkar, trong không khí tĩnh lặng sùng bái và trong niềm kính ngưỡng tỏa khắp các giòng truyền thừa, người ta khó có thể đoán được chiều sâu của những tranh chấp thù nghịch giữa các giòng phái với nhau, và khó đóan được rằng chính những tranh chấp này đã từng là bóng đen phủ lên lịch sử xã hội Tây-Tạng qua nhiều thế hệ. Đối với tất cả các giòng truyền thừa của Phật giáo Tây-Tạng, lòng tôn sùng của đại sư Shabkar mãnh liệt và chân thành đến nỗi chính ngài đã được tán dương như là ứng thân của những nhân vật khác nhau trong tất cả các giòng phái này. Ngài được kính trọng như là hiện thân của Manjushrimitra, một trong những vị khai sáng ra giòng truyền thừa Đại Viên Mãn (Dzogchen) của giòng phái Cổ Mật Nyingma. Ngài còn được công nhận là hoá thân của đại sư Ngulchu Gyalse Thogme, vị thầy mà giòng phái Sakya vô cùng kính ngưỡng, và là tái sanh của đại sư Chengawa Lodro Gyaltsen [thuộc giòng Nyingma], một đệ tử tâm truyền của đức Je Tsongkhapa. Nhưng, hơn hết cả, chính dưới bóng của Milarepa, vị đại tôn sư lừng lẫy nhất của giòng phái Kagyu và nhân vật được yêu mến nhất trong truyền thống Tây-Tạng, đại sư Shabkar đã được sùng kính và tán dương vì đã thể nhập trọn vẹn con người của đạo sư Milarepa. Từ cách sống, tài năng, lòng kiên trì cho đến những thành tựu chứng đắc, rõ ràng là đại sư Shabkar đã bước theo những bước chân của đại đạo sĩ Milarepa.
Đại sư Shabkar đã nổi tiếng vì mối quan tâm và tấm lòng trìu mến của ngài dành cho thú vật. Thái độ của ngài không những nói lên sự thông cảm và lòng biết ơn đẹp đẽ, mà thái độ này còn bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo về Phật pháp. Đối với đại sư Shabkar, cũng như đối với giới Phật tử nói chung, thú vật trước hết cả phải được coi như là những sinh vật không khác gì chúng ta, cũng đang bị mắc kẹt trong những đau khổ của cõi luân hồi y như chúng ta. Cho dù trên phương diện thể xác, thú vật có mang hình dạng khác biệt và kỳ quái đến thế nào chăng nữa, và trên phương diện cảm quan và giác quan, chúng có thô thiển đến mấy đi nữa, thì thú vật vẫn may mắn có được trí óc, và trên phương diện căn bản này, chúng cũng là những con người. Thú vật cũng bám víu vào cái gọi là ‘ta’ của chúng, đâu khác gì con người. Do đó, chúng cũng ao ước được hạnh phúc và được như ý, dựa trên những hiểu biết, nhu cầu riêng của chúng, và khi không đạt được những điều này thì chúng cũng đau khổ vô ngần.
So với con người thì thú vật phải chịu nhiều bất lợi to lớn. Tâm trí của chúng bị che phủ bởi màn vô minh dầy dặc hơn con người, và lúc nào chúng cũng bị sức mạnh của bản năng cầm thú lấn áp. Thú vật thừa hưởng những giác quan mạnh mẽ và sắc bén hơn con người, nhưng trí thông minh ít ỏi của chúng không cho phép chúng lãnh hội được đạo pháp, không thể nào làm được gì để chuyển hoá từ trạng thái bám chấp đến được trạng thái tự do giải thoát.
Trong những năm dài nhập thất ẩn tu trong cô tịch trên những rặng núi cao, và trong những chuyến đi đơn độc xuyên qua những miền hoang dã ở Tây-Tạng, chắc chắn đại sư Shabkar đã có nhiều cơ hội tận mắt nhìn thấy đủ mọi loại thú, và có dịp quan sát cách chúng sinh sống. Những cơ hội gần gũi thú vật này, cộng với lối sống hết sức đơn sơ bình dị, chắc chắn đã tô đậm thêm cho tấm lòng bi mẫn vốn có của ngài đối với loài thú, và chúng ta có thể cảm nhận được điều này rất rõ trong vô số những câu truyện được kể lại trong hai pho tiểu sử của ngài.
Đời sống giưã chốn hoang dã, với số lượng thức ăn ít ỏi và một nơi trú ẩn sơ sài để che mưa che nắng, chắc chắn đã giúp cho đại sư Shabkar hiểu rõ hơn về những khó khăn và hiểm nguy trong thiên nhiên mà chim muông dã thú phải đương đầu chống chọi. Đã nhiều lần, có lẽ ngài đã phải trải qua đói khát, lạnh lẽo, và chắc chắn ngài đã từng chứng kiến cảnh sống bấp bênh và đau khổ của loài thú khi chúng phải đương đầu với khí hậu luôn luôn thay đổi không thể đoán trước, và với mối đe dọa đến từ những con thú săn mồi khác trong thiên nhiên. Dĩ nhiên là ngài đã tạo được những liên hệ thân thiết với loài thú, và ngược lại, trong suốt những chuỗi ngày ngài tạm trú ẩn tu trong động thất, chắc chắn những con thú này cũng phải cảm thấy quen thuộc với sự hiện diện hiền hoà của con người kỳ dị đó. Đôi khi đại sư Shabkar cũng nói chuyện với thú vật, và nhiều lần, khi lắng nghe tiếng kêu inh ỏi của những con quạ hay tiếng kêu rầu rĩ của những con chim cu, ngài tưởng tượng như chúng đang nói chuyện với ngài, hay đang nói chuyện với nhau. Một lần kia, ngài đã thuyết một bài pháp đơn giản cho một đàn lừa hoang (kyang); có vẻ như chúng đã ở lại và lắng nghe ngài. Một lần khác, chính ngài đã nhận được một bài học rất thấm thía từ một con cừu già.
Điều rõ ràng mà ta đọc được trong những trước tác của ngài là ngài thường xuyên xúc động trước vẻ đẹp của loài thú, và tìm được nhiều an ủi khi làm bạn với chúng. Lắm khi, chỉ một tiếng kêu của đàn chim, hay tiếng rỉ rả của côn trùng cũng đưa đến những thấu hiểu tâm linh, và ngài thường ghi lại những kinh nghiệm này trong những bài đạo ca.
Từ những ngày còn bé thơ, đại sư Shabkar đã phải kinh hoàng trước cách xử sự tàn nhẫn của loài người đối với thú vật. Trong những trang đầu tiên trong quyển tiểu sử của ngài, ngài ghi lại một kinh nghiệm thuở ấu thời. Kinh nghiệm này đã đóng một dấu mộc lên tâm khảm của ngài cho đến hết cuộc đời.
Một mùa thu nọ, [dân làng] chúng tôi đã có được một vụ gặt thật tuyệt hảo.
Tất cả mọi người trong tất cả các gia đình, giàu nghèo gì cũng thế, đều nói là chúng ta nên tổ chức ăn mừng. Điều này có nghĩa là không biết bao nhiêu đàn cừu sẽ phải bị sát hại, bị đem ra xẻ thịt. Thật là một cảnh tượng vô cùng
khủng khiếp. Tôi sợ đến thất vía hoảng kinh và trong lòng dâng tràn bao thương xót. Không thể nào có đủ can đảm để nấn ná ở chỗ người ta xẻ thịt
nên tôi phải trốn đi một nơi khác và chờ cho đến khi việc sát hại kết thúc rồi mới dám quay trở về. Khi trở về, tôi nhìn thấy thây của những con cừu đã được xẻ thịt nằm ngổn ngang dưới đất. Tôi thầm nghĩ, ‘Những người này đã làm một việc vô cùng tồi bại, và người ta vẫn tiếp tục làm như vậy cho dù người ta dư biết là họ sẽ phải trả quả ác trong những kiếp kế tới. Khi lớn lên, tôi nguyện sẽ chỉ sống theo gương chánh pháp. Tôi sẽ hoàn toàn xa lánh những việc làm tệ hại như vậy.’ Và tôi đã nhiều lần lập đi lập lại lời hứa này với chính mình. [KWGJ (The King of Wish-Granting Jewels) – (Đại Vương Của Những Viên Ngọc Như Ý), f16]
Trong suốt cuộc đời của ngài, đại sư Shabkar cũng như bất cứ vị thầy nào khác trong Phật giáo, đã thuyết pháp về định luật nhân quả, và đã khuyến khích người nghe phải tránh xa hành động giết hại. Điều này đôi khi đã đem lại rất nhiều kết quả khả quan.
Cũng giống như Jigme Lingpa, một vị tôn giả lão thành cùng thời với ngài, đại sư Shabkar thường xuyên thực hành pháp phóng sinh, cứu mạng thú vật bằng cách mua chúng rồi thả chúng ra. Trong một bài đạo ca, ngài đã kể lại rằng cho đến năm ngài năm mươi sáu tuổi (ngài thọ đến tuổi bảy mươi), ngài đã cứu mạng và phóng sinh được cả thảy vài trăm ngàn sinh mạng thú vật.
Thật ra, trong thời niên thiếu, có một câu chuyện xảy ra trên chuyến đi hành hương thủ đô Lhasa và câu chuyện này đã trở thành mốc điểm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cá nhân của ngài. Giữa những buổi viếng thăm các đền đài, tu viện, chư tăng, cũng như thăm viếng những nhân vật lãnh đạo tôn giáo và chính trị đương thời, ngài luôn luôn bị một ngôi chuà thu hút. Đó là ngôi chuà tên Jokhang nằm ngay giữ trung tâm thành phố Lhasa. Nơi đây có an vị một bức tượng của Jowo Rinpoche [tên người Tây-Tạng gọi đức Phật Thích Ca]. Bức tượng này là tượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và theo truyền thuyết, đã được tạc khi đức Phật Thích Ca vẫn còn tại thế. Bức tượng này đã và vẫn đang là một pháp bảo trân quý nhất trong gia tài Phật giáo Tây-Tạng, và trải qua nhiều thế kỷ, luôn luôn là pháp bảo đón nhận được nhiều chú ý nhất, từ tài vật cúng dường cho đến những lời cầu nguyện.
‘Một ngày nọ,’ theo như đại sư Shabkar kể lại trong tiểu sử của ngài,
‘tôi đã an trú trong sự hiện diện của đức Phật Thích Ca trong một khoảng thời gian kéo dài lâu, thật lâu. Tôi hết sức chí tâm chí thành khấn nguyện, và nhờ đó, đã bước chân vào được trạng thái an tĩnh sâu xa tuyệt đối. Sau đó, trong khi tôi đang bách bộ dọc theo con đường để đi nhiễu (circumambulation) chung quanh thành phố, tôi đã gặp phải xác của rất nhiều những con cừu và con dê đã bị giết chết. Ngay giây khắc đó, lòng từ bi như nước lũ dâng lên thật mãnh liệt trong tôi đến nỗi tôi không thể nào chịu đựng được nữa vì tôi quá thương xót cho tất cả những con thú đã bị giết chết trên cõi đời này. Tôi liền quay gót trở lại trước bức tượng của đức Phật, và trong khi đảnh lễ, tôi
đã phát nguyện như sau: ‘Bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi, con nguyện sẽ hoàn toàn chừa bỏ hành động xấu ác ăn thịt của chúng sinh, mỗi một chúng sinh đã từng là cha mẹ của con trong quá khứ.’ [KWGJ, f201]
Đó là năm 1812; đại sư Shabkar vừa tròn ba mươi mốt tuổi. ‘Từ giây phút đó trở đi,’ ngài kể tiếp,
‘không một ai còn sát hại thú vật để làm thức ăn dâng cúng cho tôi nữa. Tôi còn được nghe kể lại rằng, khi những vị thí chủ hảo tâm và trung thành của
tôi biết trước là tôi sắp ghé thăm, họ kháo với nhau là, ‘Đại sư này không ăn thịt, ngay cả thịt của một con vật đã chết một cách tự nhiên (chết già); chúng ta không thể để cho ngài thấy bất cứ cái gì dính đến thịt khi ngài ở đây.’ Và họ đem dấu đi hết tất cả những gì dính đến thịt. Điều hiển nhiên là không con
vật nào còn bị sát hại [để làm thức ăn] cho riêng bản thân tôi làm cho tôi tin chắc rằng đó là nhờ ơn gia hộ của chính đức Phật Thích Ca .’ [KWGJ, f201]
Quyết định từ bỏ ăn thịt của đại sư Shabkar biểu hiện một sự hy sinh đáng kể. Ngày hôm nay, những du khách đến thăm Tây-Tạng cho biết là cơm gạo và rau trái được nhập cảng qua từ Trung Quốc có thể tìm thấy dễ dàng ở nhiều nơi, nhưng vào thời đại của đại sư Shabkar thì không phải là như vậy.
Đúng là từ ngàn xưa, tại những vùng đồng bằng ở độ thấp thuộc miền nam và miền đông Tây-Tạng, người ta có thể trồng đủ ngũ cốc và rau trái cho phần lớn dân trong nước dùng để tô điểm thêm cho thói quen ăn uống nặng phần thịt thà. Nhưng nếu nói là vào thời đó, việc trồng trọt rau trái được phát triển ở mức độ quy mô có thể cung cấp đầy đủ số lượng dinh dưỡng cần thiết cho việc ăn uống bằng rau trái (ăn trường chay) thì điều này hoàn toàn khó có thể xảy ra. Không có rau trái nào có thể sống sót được ở những nơi mà độ cao là 20 ngàn thước Anh, và ở miền bắc Tây-Tạng thì chỉ toàn là những vùng đồng cỏ bao la bát ngát, phù hợp cho việc chăn nuôi những loại thú như trâu yak, dê và cừu mà thôi.
Bởi thế, hành động từ bỏ ăn thịt là một việc làm thật sự anh hùng, không dễ mấy ai làm được. Điều đó có nghĩa là phải hài lòng với việc ăn uống dinh dưỡng bao gồm những thức ăn đạm bạc như bơ, sữa đông lạnh, và tsampa. Tsampa là món ăn thuần tuý của người dân Tây-Tạng làm bằng bột xay từ lúa mạch đã được rang vàng; thông thường khi ăn, người ta trộn bột với nước trà hoặc với bơ rồi vo lại thành viên. Ăn uống như vậy có nghĩa là sức đề kháng sẽ bị thuyên giảm do thiếu chất đạm và thiếu chất vitamins. Đó cũng có nghĩa là sẽ dễ bị nhiễm lạnh do thiếu chất mỡ trong người. Ta có thể hiểu được dễ dàng là lối ăn uống kham khổ đạm bạc như vậy nằm ngoài khả năng chịu đựng của đại đa số quần chúng tại Tây-Tạng. Ngay cả ở một quốc gia mà tinh thần Đại-Thừa bàng bạc khắp mọi nơi, nơi mà không một ai không biết đến những giáo huấn của đức Phật về lòng từ bi thì việc phải thực hành giáo huấn từ bi này qua thói quen ăn uống hằng ngày là một việc làm bất khả đối với số đông dân chúng.
Trong trường hợp của những tu viện lớn, nếu như có chư tăng nào có ước nguyện hoàn toàn bỏ ăn thịt thì điều đó cũng không thể thực hiện được vì chùa sẽ không có đủ số lượng rau trái để cung cấp cho quý thầy này. Việc trở thành một người ăn trường chay tại Tây-Tạng đòi hỏi một sức chịu đựng mạnh mẽ và một tấm lòng cương quyết chỉ có thể đến được từ một niềm tin sắt đá nhất mà thôi.
Tất cả những điều đã được nêu ra ở trên — chẳng hạn như công phu tu tập của đại sư Shabkar đã trải rộng khắp tất cả các giáo huấn, hoặc tình đoàn kết vô điều kiện của ngài với tất cả các giòng truyền thưà của Phật-giáo Tây-Tạng, hoặc sự nghiêm túc và hoàn hảo của nhân cách của ngài, hoặc những hy sinh mà ngài sẵn sàng chấp nhận cốt chỉ để được sống cho đúng với lý tưởng và những hiểu biết rốt ráo của mình — tất cả những điều này đủ để đại sư Shabkar có được một chỗ đứng khác thường, và cho phép ngài nói lên tiếng nói chính thức cho cả một truyền thống [của những người nguyện bỏ thịt ăn chay]. Do đó, những gì ngài nói ra về vấn đề ăn thịt và sự liên hệ giữa việc ăn thịt và việc thực hành Phật pháp là những điều rất quan trọng. Chúng ta cần phải lắng nghe, cho dù rất có thể những điều này đi ngược lại với cái nhìn và những gì mà chúng ta yêu thích, hoặc có chiều hướng nằm ngoài khả năng thực hiện của chúng ta.
Trước khi chúng ta đào sâu chi tiết về những lý luận của đại sư Shabkar, chúng ta cần nên phổ biến cho mọi người biết điều này: thật là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được, để đi đến một định nghĩa chung dựa trên giáo lý của đạo Phật về vấn đề ăn thịt — định nghĩa chung nào mà có thể kêu gọi được sự biểu đồng tình từ tất cả các phe phái. Điều này vô cùng khó bởi vì chính thái độ của đức Phật về vấn đề ăn thịt, như đã được ghi lại trong kinh điển, xem chừng là một thái độ mơ hồ, không rõ ràng. Trong một số kinh điển, nhất là trong các bộ kinh tìm thấy trong truyền thống Tiểu-Thừa, chúng ta thấy là đức Phật khuyên các đệ tử nên bỏ ăn chỉ có vài ba loại thịt [được coi là không trong sạch]; do đó, lời khuyên này có hàm ý là ngoài ba loại thịt không trong sạch đã bị cấm thì thịt nói chung là một món ăn có thể chấp nhận được. Đức Phật cũng cho phép tăng đoàn ăn những loại thịt đặc biệt có đủ tiêu chuẩn [được coi là trong sạch]. Trong những dịp khác, người ta nói là chính đức Phật cũng đã ăn thịt, và có những nguồn tin xác nhận rằng cái chết của đức Phật xảy ra vì ngài đã ăn phải một món thịt heo đã nhiễm độc do đệ tử cúng dường. Điều này đã gây ra ít nhiều tranh cãi. Ở những nơi khác, rõ ràng nhất là trong kinh Lăng-già (Lankavatara-sutra) cũng như trong các kinh điển Đại-Thừa khác, đức Phật lại chỉ trích việc ăn thịt một cách nặng nề bằng những lời lẽ quyết liệt nhất, và cấm ngặt việc ăn thịt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cuối cùng, trong một số các bộ luận đặc biệt thuộc về Mật-Điển, việc ăn thịt, cũng như uống rượu, không những được cho phép mà còn có vẻ như được tán thành và cổ võ.
Đại sư Shabkar đã tiếp cận vấn đề hóc búa này bằng tinh thần của con đường chuyển hoá từ từ (the gradual path), và ngài giải thích về những xung đột quá rõ ràng trong kinh điển như là những biểu lộ của khả năng giáo huấn của đức Phật. Đã chứng được đạo quả giác ngộ, đức Phật không có ý định đi tìm cách chứng minh quyền năng của ngài bằng cách tuyên bố rằng chân đế tối thượng hoà nhập tánh Không, vì ngài biết rằng điều này nằm ngoài khả năng lãnh hội của thính chúng. Ước nguyện đầu tiên của ngài là giúp cho những người khác đạt đến được trình độ hiểu biết như ngài, và qua cách đó, ngài là một người vô cùng thực tiễn. Ngài biết là người ta chỉ có thể chuyển hoá nhờ vào những gì mà người ta có thể hiểu được hoặc thực sự áp dụng được, nên ngài không làm cho họ bối rối với những lời lẽ cao siêu, viễn vông, hay cố gắng áp đặt những giới luật nằm ngoài khả năng của họ. Ngược lại, ngài đã thuyết pháp tuỳ theo căn cơ và nhu cầu của đại chúng.
Do đó, những giáo huấn được ghi lại trong kinh điển là những chứng cứ tuỳ hoàn cảnh, được nói ra trong một trường hợp đặc biệt nào đó, với riêng một số cá nhân nào đó. Giáo huấn thích hợp với một cá nhân hay một nhóm nhỏ cá nhân không nhất thiết là thích hợp cho những kẻ khác. Những lời hướng dẫn dành riêng cho những đệ tử căn cơ thượng thừa có phần nào gần gũi với chính hiểu biết của đức Phật, chắc chắn những lời hướng dẫn này không thể phù hợp với những đệ tử sơ căn là những người rất cần một con đường chuyển hóa từ từ. Tất cả kinh điển Phật giáo biểu trưng cho toàn bộ giáo huấn ở tầm mức rộng rãi, nhưng tựu chung, tất cả những giáo huấn này chỉ có một mục tiêu duy nhất là đưa chúng sinh đến bờ giải thoát.
Có hai điều mà chúng ta có thể kết luận được sau đây. Thứ nhất, phải công nhận là có một hệ thống giáo huấn rất quy củ, rất xác thực. Hệ thống giáo huấn này gồm có những hướng dẫn căn bản, cần thiết được giảng dạy tuỳ theo nhu cầu, và tiếp theo sau đó, là những hướng dẫn ở mức độ đòi hỏi cao hơn, được đào sâu hơn khi nào học trò đã sẵn sàng hơn. Đối với đại sư Shabkar cũng như đối với tất cả các vị thầy theo truyền thống Phật giáo Tây-Tạng, những giáo huấn được đề ra trong Tiểu-Thừa là những giáo huấn tột cùng quan trọng, đặt nền móng cho sự hiểu biết chín chắn và thực hành chín chắn. Nhưng những giáo huấn này không phải là chấm hết. Những giáo huấn của Đại-thừa vượt trội lên trên những giáo huấn Tiểu-Thừa, và cũng như thế,ngay trong truyền thống Đại-Thừa, những giáo huấn Kinh-Điển là nền móng chuẩn bị cho sự vượt trội của những giáo huấn về Mật-Điển. Nhờ vào đó, toàn bộ giáo huấn của đức Phật đã dung nhập một cách rất hoà hợp và khít khao; những hướng dẫn xem chừng thiếu sót ở tầm nhìn cao được đặt đúng vào vị trí căn bản, cần cho sự chuẩn bị ở phía dưới của cây thước đo. Nếu nhìn theo cái nhìn như trên thì những giáo huấn trong kinh điển của cả Tiểu-Thừa lẫn Đại-Thừa đều có thể hoà hợp thống nhất với nhau, và thật sự không cần thiết để phải ước đóan, như có một số người có thẩm quyền đã làm, rằng có thể có nhiều kinh điển đã được học trò đời sau hoặc tự ý thêm vào, hoặc cố tình diễn giải sai lạc những lời Phật dạy.
Kết luận quan trọng thứ nhì là những các giáo huấn của đức Phật đều vô cùng xác thực tuỳ trường hợp và tùy hoàn cảnh mà giáo huấn đó đã được giảng dạy. Thật là một lỗi lầm to lớn nếu ta trích dẫn và áp dụng những giáo huấn này một cách chung chung, không đặt chúng trong đúng khung cảnh đã được đề ra cho việc chỉ dạy. Do đó, phải hiểu là một giáo huấn được đưa ra trong khung cảnh Tiểu-Thưà nằm bên ngoài khung cảnh của Đại-Thưà, cũng như giáo huấn này sẽ không xác thực cho mấy khi được đem lồng vào khung cảnh Đại-Thừa. Như đại sư Shabkar đã chứng minh cho chúng ta thấy, phần lớn, chính cách nhìn hời hợt và sai lạc của chúng ta khi đọc kinh điển đã đưa đến tình trạng hoang mang bối rối [khi chúng ta đề cập đến] vấn đề ăn mặn trong đạo Phật.
Như chúng ta đã nhận thấy, cho dù truyền thống Đại-Thừa hiện diện khắp nơi ở Tây-Tạng, cho dù rất nhiều vị đại sư đã thuyết giảng và sống theo đúng tất cả những gì rốt ráo tinh khiết nhất của giáo huấn của Đại-Thừa, nhưng việc áp dụng tinh thần Đại-Thưà trên vấn đề ăn thịt là một áp dụng không thực tế với đa số người dân Tây-Tạng. Và như chúng ta đã suy đoán, cách dùng kinh điển và trích dẫn kinh điển vô căn cứ (đặt bên ngoài hoàn cảnh mà giáo huấn đó đã đuợc giảng dạy), thật ra chỉ là một phần của một khung cảnh ‘nhân tạo.’ Khi người ta bị cưỡng ép, chính vì những yếu điểm của họ, để hành động trái ngược lại với lý tưởng thì điều tự nhiên nhất là người ta sẽ cố gắng tìm cách biện minh hoặc chứng minh rằng việc làm của mình là đúng, một là để đỡ quê mặt, hai là để làm nhẹ bớt hậu quả tâm lý nặng trĩu gây ra vì việc làm này. Trong những trường hợp thực sự khó khăn, điều tự nhiên nhất người ta làm vẫn là không tìm cách chống chỏi mà cứ buông xuôi theo hoàn cảnh. Chẳng hạn như ở hai vùng Kham và Amdo, vào cuối mùa đông, người ta đói kinh khủng là đói. Nếu vào lúc đó, người ta có thịt để ăn thì phải là một người có trái tim sắt đá ghê lắm mới nỡ lên tiếng phê bình và đặt câu hỏi với những kẻ đi mua thịt về để ăn– cho dù những kẻ này chẳng hề lo nghĩ xem thịt này từ đâu tới và tự cho là họ không có trách nhiệm gì hết với cái chết của con vật.
Nhưng cho dù những lý luận dựa trên hoàn cảnh đặc biệt này, đã và đang từng có sức thuyết phục đến thế nào chăng nữa tại Tây-Tạng, thì điều quan trọng vẫn là việc phải tiếp tục giữ gìn những nguyên tắc trọng yếu. Cho dù việc ăn thịt có thể được biện minh một cách thích đáng trong một vài trường hợp cá nhân hoặc hoàn cảnh đặc biệt, nhưng chúng ta không thể để cho điều này che mờ một sự thật hiển nhiên khác: đó là việc ăn thịt có khả năng phá hoại lý tưởng Đại-Thừa, và trong những trường hợp bình thường khác, việc ăn thịt tự nó là một việc làm không thể nào chống chế hay bào chữa được. Có một điều rất rõ ràng trong những trước tác của đại sư Shabkar, điều này trở thành là một trong những mối bận tâm nhất của ngài: Cho dù những điều kiện thực tế có khó khăn đến cách mấy chăng nữa thì chúng ta vẫn cần phải cất lên tiếng nói trung thực và giữ cho lý tưởng sống còn. Tất cả những điều này đã giúp đưa đại sư Shabkar lên một địa vị sắc sảo, nổi bật hơn nữa. Những giáo huấn về vấn đề ăn thịt của ngài xem chừng rất lạ thường và quá lý tưởng ngay chính ở phương Tây giàu mạnh, đừng nói chi đến xứ Tây-Tạng với những điều kiện sống vô cùng kham khổ, khắc nghiệt.
Cho dù như vậy, điều hiển nhiên ở đây là không có giới luật nào mà không uyển chuyển [không có cái gì quá cứng ngắc, quá cố định]. Bất kể khung cảnh văn hoá địa dư như thế nào thì hành động cư xử của mỗi người vẫn tuỳ thuộc nơi căn cơ và sự lựa chọn của riêng cá nhân. Có một điều rõ ràng là [khi phải lựa chọn hành động], sự thành-tâm-dựa-trên-hiểu-biết-đúng-đắn là yếu tố quan trọng nhất, cho dù lắm khi ta phải công nhận là sự ‘tự lừa dối’ cũng có thể trở thành một người bạn đường dai dẳng, nhất là khi khả năng xét đóan của ta bị lòng ham muốn và năng lực của thói quen lôi kéo.
Đại sư Shabkar hoàn toàn ý thức về những yếu tố rắc rối này, và thái độ của ngài đến từ một cái nhìn thực tiễn nhuộm lòng từ bi. Ngài ân hận và thương xót nhìn thấy cảnh tượng [người ta ăn thịt], nhưng đồng thời, ngài cũng biết rất rõ pháp tu [bỏ ăn thịt] mà ngài đang cổ võ là một việc làm quá tầm tay với đối với rất nhiều đồng bào Tây-Tạng của ngài. Dù sao đi nữa, ngài vẫn tiếp tục cổ võ pháp tu này, nhưng cổ võ mà không xét đoán hay ra mặt đạo đức. Ngài thương xót cho những nạn nhân của đồ tể, và tỏ ra thiếu kiên nhẫn với thuật ngụy biện và đạo đức giả của một số các pháp tu đã ổn định lâu đời. Nhưng ngài cũng biết là trong những trường hợp này — rất có thể là trong bất cứ trường hợp nào khác cũng thế — điều tốt nhất mà ngài có thể làm để giúp cho hoàn cảnh trở nên sáng sủa hơn là thuyết phục và làm gương cho mọi người.
Phần đầu trong quyển tiểu sử của đại sư Shabkar được kết thúc bằng những câu kệ, ngài đã duyệt lại thành quả của mình kể cho đến ngày hôm đó, tức là cho đến năm ngài 56 tuổi. Tự lên tiếng thay cho mình, ngài nói như sau, ‘Tôi đã giữ trọn giới khất sĩ Ba-la-đề-mộc-xoa (Pratimoksha), Bồ-Tát giới, cũng như những giới của Mật-Thừa. Tôi đã từ bỏ thịt, rượu, tỏi, hành, và thuốc lá, và nuôi sống tôi bằng ba thực phẩm trắng, ba thực phẩm ngọt, bằng trà và bơ và bột tsampa.’ [KWGJ, f480b] Sau đó, ngài nhắc đến những đệ tử của ngài: 108 đại đệ tử tâm truyền, 1,800 đại thiền giả, cả nam lẫn nữ, mười ngàn, trăm ngàn những vị tăng ni là môn đồ của ngài hiện đang sống trong những tu viện, cũng như vô số những đạo sư du-già, những hành giả sống tại các làng mạc, cùng những người tu tại gia, họ đã cố gắng tu tập như thế nào qua việc cầu nguyện, nhịn ăn (fasting), và trì chú. Trong số đệ tử khổng lồ này, ngài nhắc riêng đến một số người mà ngài dành cho danh dự đặc biệt, những người này ‘nhờ chứng đắc được tâm từ bi và tâm Bồ-Đề tối thượng, đã hoàn toàn bỏ ăn thịt.’ [KWGJ, f480b] Số người này lên đến khoảng 300 người — một con số ít ỏi so với tổng số đệ tử của ngài nhưng đã được ngài nhắc đến với tất cả lòng hoan hỉ biết ơn.
Tất cả những đệ tử còn lại của đại sư Shabkar đều là dân ăn thịt — ngài đã thâu nhận họ như những người học trò cần được huấn luyện trên con đường tu. Trong phần viết về ‘Những Lỗi Lầm Của Việc Ăn Thịt’ (The Faults of Eating Meat), đại sư Shabkar trích dẫn Đại-bát Niết-bàn kinh (Mahaparinirvana-sutra), trong đó đức Phật có nói rằng, ‘Giáo huấn của ta không giống như là giáo huấn của một kẻ trần truồng tu khổ hạnh. Ta, đấng Như Lai, đưa ra những giới luật có liên hệ với từng trường hợp của từng cá nhân.’ Noi theo truyền thống đó, đại sư Shabkar không phải là một người theo chủ nghĩa cố chấp, chỉ biết cổ võ một giới luật duy nhất trong tất cả mọi hoàn cảnh. Điều ngài quan tâm đến nhất là mọi người cần phải thay đổi và trưởng thành. Đối với chúng ta là những người đang đi trên con đường đạo, chúng ta đang phải đối diện với những đòi hỏi đôi khi quá sức chịu đựng của mình. Do đó, phương cách hữu hiệu và thực tế nhất để chúng ta có thể tiếp cận những vấn đề này là tự nhận lấy một thái độ nhún nhường, và sẵn sàng dấn bước khởi đầu từ ngay nơi chúng ta đang đứng (‘start where we are’), với tất cả vốn liếng thô thiển sẵn có trong ta, với tất cả những cá tính của riêng ta, những nhu cầu của ta, những yếu điểm của ta. Nếu, vì bất cứ lý do gì mà chúng ta không thể bỏ ăn thịt được thì chính trong địa vị của người đang ăn thịt, chúng ta sẽ khởi sự tự rèn luyện. Và hiển nhiên là chúng ta đang được rèn luyện và đang tiến dần đến một mục đích. Chỉ một điều này không thôi cũng đủ là lý do chính đáng để ta cần phải tôn trọng ý kiến [về việc bỏ ăn thịt] và không nên áp đảo ý kiến này bằng những tranh luận phiến diện. Khi ta chấp nhận rằng ta có tiềm năng để thay đổi thì đây chính là điều kiện tiên quyết cho những tiến triển đạo đức. Theo bước chân của chư Bồ-Tát, ta phải sẵn sàng chờ đợi chuyện ta sẽ được chuyển hoá; và trong chiều sâu và chiều rộng của sự chuyển hoá đó, thì chuyện ta có thể phải điều chỉnh cách thức ăn uống dinh dưỡng xem ra cũng chỉ là một thay đổi rất nhỏ bé mà thôi.
Shabkar và Truyền Thống Ăn Chay Trong Phật Giáo Tây Tạng, Đại sư Shabkar(ấn bản PDF để in)
Lời Giới Thiệu của Nhóm Dịch Thuật Padmakara
SHABKAR Và TRUYỀN THỐNG ĂN CHAY TRONG PHẬT GIÁO TÂY-TẠNG
Trích từ tập sách ‘Thức Ăn Cho Bồ Tát‘ Những Giáo Huấn Của Đạo Phật Về ViệcTừ Bỏ Ăn Thịt (Padmakara Translation Group 2004)
Tập sách ‘Food For Bodhisattvas’ (Thức Ăn Cho Bồ Tát) của Đại sư Shabkar do nhóm Padmakara Translation Group chuyển Anh-ngữ và do Shambhala Publications xuất bản vào năm 2004 www.shambhala.com
________________________________________________________
Tâm-Bảo-Đàn chuyển Việt-ngữ trích đoạn Lời Giới Thiệu của tập sách trên do nhóm Padmakara biên soạn để cúng dường Drubwang Norbu Rinpoche
tháng 9/ 2005.
OM MANI PADME HUNG
Viet_Vajra Foundation trình bày và ấn tống tháng 11/2006
để kỷ niệm ngày ra mắt trang nhà www.shabkar.org – A Non-profit Website Dedicated to Vegetarianism as a Buddhist Way of Life.
Muốn nhận bản gốc điện tử hoặc đọc các tài liệu dịch thuật về Kim Cang Thừa-Phật Giáo Tây Tạng, xin vào xem trang nhà www.vietvajra.org
Mọi sai sót là của người chuyển Việt-ngữ.
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh